Hàm cá sấu “nhạy cảm” đến đâu?
Cập nhật ngày: 13/11/2012 05:18:32
Xương hàm của cá sấu nhạy cảm còn hơn cả đầu ngón tay người, nhờ hàng loạt đốt sần tí hon nằm dọc theo hàm.
Theo các nhà khoa học, chính nhờ quai hàm siêu nhạy này mà cá sấu vừa có thể ấp trứng trong miệng với sự nhẹ nhàng tuyệt đối, vừa có thể đớp mồi cực mạnh chỉ sau chưa đầy 1 giây.
“Ngay khi cảm thấy có thứ gì đó chạm nhẹ vào hàm, chúng sẽ đớp ngay”, nhà sinh học Ken Catania thuộc Đại học Vanderbilt cho biết.
Catania đã sử dụng kính hiển vi điện tử để quan sát cấu trúc của các đốt sần này trên cá sấu châu Mỹ và cá sấu sông Nile. Ông nhận thấy bên trong chúng đều chứa rất nhiều đầu dây thần kinh siêu nhạy có khả năng phát hiện dao động và áp lực. Sau đó, họ đã truy vết các đầu dây thần kinh này để xác định nguồn khởi phát tín hiệu đầu tiên.
Kế tiếp, nhóm của Catania đã chuyển sang nghiên cứu chức năng của mạng lưới thần kinh này. Những nghiên cứu trước đây cho rằng các đốt sần trên mặt cá sấu có thể phát hiện nồng độ muối trong nước, vì thế họ đã thử thả cá sấu sông Nile vào nước mặn rồi đo tín hiệu điện tử do các tế bào thần kinh phát ra. Tuy nhiên, cá sấu không hề có phản ứng gì.
Ngược lại, trong bài sát hạch về độ nhạy cảm với va chạm, Catania đã thả một sợi tóc trúng đốt sần và phát hiện thấy mạng lưới tế bào thần kinh tại đây liên tục phát đi tín hiệu. “Chúng nhạy cảm còn hơn cả đầu ngón tay người”, ông cho biết.
Nhờ sự nhạy cảm này mà cá sấu có thể dùng hàm ngoạm chặt con người chỉ trong vòng 50 mili giây. Thế nhưng những con bò sát khổng lồ này cũng có thể trở nên rất dịu dàng khi ngậm trứng trong miệng và di chuyển từ nơi này đến nơi khác.
Bước tiếp theo của các nhà khoa học là xác định xem khu vực nào trong não phụ trách tái tạo các tín hiệu thần kinh được gửi về từ bướu mặt này. “Cá sấu không phải tổ tiên của loài người, nhưng chúng là một nhánh sinh vật rất quan trọng, cho phép chúng ta điền vào những chỗ trống còn thiếu trong ô chữ tiến hóa”, Catania kết luận.
TT (Theo Y Lam-Vietnamnet)