Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật ngày: 26/12/2017 15:28:23
ĐTO - Năm 2017, hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục được triển khai đúng hướng, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đặc biệt, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh đã có những bước tiến đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Đồng Tháp đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp. Ảnh: M.NHÂN
Phóng viên: Thưa ông, năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ ở Đồng Tháp đã có những đóng góp như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Trong năm qua, ngành khoa học và công nghệ Đồng Tháp tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các địa phương, các viện, trường, cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và địa phương. Sở khoa học và công nghệ đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ; tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với các chương trình, đề án phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp... đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, các loại cây, con giống mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến gắn với áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thu được kết quả đáng khích lệ. Một số đề tài, dự án cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp được triển khai áp dụng có hiệu quả ở các địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều sáng kiến, giải pháp công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, công nghệ thông tin, y tế, môi trường... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân. Qua đó, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
P.V: Vậy trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của tỉnh, lĩnh vực nào được tập trung và mang lại hiệu quả nhất, thưa ông?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Là tỉnh có nhiều lợi thế và tiềm năng về phát triển nông nghiệp và cũng là tỉnh tiên phong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 chọn 3 cây 2 con (hoa kiểng, xoài, lúa, cá tra và vịt) làm nội dung thực hiện. Do đó trong định hướng nghiên cứu của tỉnh lấy nghiên cứu ứng dụng làm mục tiêu và tập trung vào nghiên cứu ứng dụng phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ yếu. Từ đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực. Những điểm sáng nổi bật trong lĩnh vực này có thể kể đến như: nghiên cứu, áp dụng thành công và nhân rộng các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa như: lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra...
Riêng trong năm 2017, Sở đã tham mưu nghiệm thu và chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và mô hình sản xuất chanh đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Cao Lãnh và huyện Châu Thành”. Đề tài này đã xây dựng thành công mô hình chanh đạt chứng nhận VietGAP với diện tích là 47,66ha, sản lượng 1.750 tấn/năm. Hiện nay, đang có thêm khoảng 30ha trồng chanh được Trung tâm Khuyến nông huyện Cao Lãnh hỗ trợ sản xuất theo hướng VietGAP. Về hiệu quả kinh tế, sản phẩm chanh đạt chứng nhậnVietGAP đang được Công ty VinEco thu mua cao hơn giá thị trường là 2.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, việc chuyển giao đề tài “Khảo nghiệm và phát triển giống lúa ngắn ngày, thích nghi nhiệt độ cao, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo đạt yêu cầu xuất khẩu” cũng đã chọn được 2 giống chống chịu nhiệt độ cao, thích nghi rộng và cho năng suất cao, ổn định trong các điều kiện canh tác khác nhau của tỉnh. Qua đó, làm phong phú hơn bộ giống lúa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Về hỗ trợ các chủ sở hữu nhãn hiệu nông sản đã cấp văn bằng bảo hộ xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển nhãn hiệu theo hướng bền vững, ngànhđã hướng dẫn, hỗ trợ các chủ sở hữu các nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”, “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh”, “Nhãn Châu Thành” xây dựng kế hoạch quản lý sử dụng và phát triển nhãn hiệu nhằm giúp các chủ sở hữu thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu, từng bước nâng cao uy tín và giá trị của nhãn hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân thông qua sử dụng nhãn hiệu. Hiện nay, ngành khoa học và công nghệ đang tập trung nghiên cứu đẩy mạnh chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch như: Nghiên cứu công nghệ bảo quản xoài, chanh, máy lựa xoài, máy xới gốc cho cây ăn quả đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc xới gốc bón phân cho xoài, thay thế lao động thủ công khan hiếm hiện nay, tiến tới cơ giới hóa trong canh tác cây ăn trái (xoài, nhãn, cây có múi) trên địa bàn tỉnh.
P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được hẳn cũng còn một số hạn chế. Vậy theo ông, nguyên nhân của những hạn chế này là gì?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Khi áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất làm tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng đồng thời làm tăng chi phí sản xuất trong khi việc tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự ổn định, giá bán sản phẩm chênh lệch so với sản xuất bình thường không đáng kể. Vì vậy, khó thuyết phục người dân trong việc chuyển đổi tập quán sản xuất, nhân rộng mô hình thực hành sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn chất lượng cao. Bên cạnh đó, quy mô diện tích sản xuất hiện nay còn mang tính nhỏ lẻ, chưa hình thành mối liên kết chặt chẽ, đồng thời sản xuất còn mang tính tự phát làm cho việc áp dụng đồng bộ và việc nhân rộng mô hình các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn khó khăn.
Hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa nông sản của địa phương và xây dựng kế hoạch quản lý phát triển nhãn hiệu đã được cấp văn bằng còn ít; các sản phẩm nông sản đặc thù chỉ được trồng và sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu sự kiểm soát và định hướng, quy trình sản xuất còn dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, tập quán; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công, thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến nông sản chưa nhiều dẫn đến chất lượng không đồng đều, thiếu ổn định, không đáp ứng các yêu cầu và chỉ tiêu để được cấp sử dụng nhãn hiệu... từ đó đã kìm hãm tính cạnh tranh và làm giảm giá trị nông sản trên thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp ứng dụng kết quả khoa học sau đánh giá nghiệm thu theo Quyết định số 1211/QĐ-UBND-HC. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị sau khi tiếp nhận vẫn chưa xây dựng được kế hoạch để ứng dụng các kết quả này vào đời sống thực tiễn, làm cho các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ chậm được nhân rộng.
P.V: Để tạo đà cho khoa học và công nghệ Đồng Tháp phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào những giải pháp gì mang tính đột phá, thưa ông?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Nhiệm vụ đặt ra phía trước rất nặng nề, song với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở khoa học và công nghệ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, lồng ghép hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo và hỗ trợ hoạt động sáng tạo không chuyên đối với đối tượng nông dân, học sinh, sinh viên và sửa đổi, bổ sung quy định về một số định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp với các chính sách phát triển khoa học và công nghệ.
Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các viện, trường và doanh nghiệp... xem xét, phê duyệt các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bám sát định hướng mục tiêu của tỉnh để phục vụ thiết thực yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào việc giải quyết các vấn đề xây dựng nông thôn mới và thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với một số nội dung trọng tâm như: nghiên cứu chuyển đổi mô hình, quy trình canh tác, cơ cấu mùa vụ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản chủ lực của tỉnh; nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp phục vụ xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, tư vấn ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ bảo quản sau thu hoạch vào sản xuất nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, tăng giá trị chất lượng sản phẩm; nghiên cứu, chuyển giao và xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất.
Hỗ trợ chủ sở hữu các nhãn hiệu nông sản đặc thù trong công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu theo hướng bền vững và phù hợp với đặc trưng của từng loại sản phẩm mang nhãn hiệu như: hướng dẫn, hỗ trợ các chủ sở hữu đưa công nghệ vào quản lý việc cấp phát nhãn hiệu (trang bị máy in, phun nhãn hiệu trực tiếp trên quả, truy xuất nguồn gốc...); ứng dụng dụng quy trình sản xuất mới, hiệu quả nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm mang nhãn hiệu; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản sản phẩm...
P.V: Xin cảm ơn ông!
Mỹ nhân
(thực hiện)