Nâng cao hiệu quả ứng dụng các giải pháp đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 30/09/2017 06:32:16

Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (STKT) tỉnh Đồng Tháp đã trải qua 14 lần tổ chức, thu hút đông đảo sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.


GS.TSKH Đặng Vũ Minh phát biểu tại hội thảo

Hội thi STKT là phong trào thi đua lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật đạt hiệu quả vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng các giải pháp đạt giải Hội thi STKT tỉnh Đồng Tháp vào hoạt động sản xuất và đời sống, nhóm thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thực trạng ứng dụng các giải pháp đạt giải Hội thi STKT tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2000-2015” do Văn phòng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật chủ trì, cử nhân Đỗ Thị Hòa làm chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát, đánh giá 280/314 giải pháp đạt giải giai đoạn 2000-2015. Từ kết quả khảo sát cho thấy, hiện nay có 203 giải pháp vẫn còn được ứng dụng (chiếm 72,5%) và 77 giải pháp không ứng dụng được (chiếm 27,5%).

Qua kết quả thống kê, hiện nay số lượng giải pháp đạt giải vẫn còn ứng dụng vào thực tế khá cao nhưng phạm vi chỉ tập trung chủ yếu tại đơn vị, cơ sở nơi tác giả công tác hoặc trong nội bộ ngành. Việc nhân rộng, ứng dụng các giải pháp đạt giải vào phục vụ sản xuất và đời sống vẫn chưa cao.

Theo nhóm thực hiện Đề tài, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chủ yếu do: đa phần các tác giả thiếu kinh phí trong việc triển khai ứng dụng và nhân rộng; thiếu nguồn hỗ trợ cũng như xây dựng các chiến lược thu hút nhà đầu tư; việc kiểm tra và theo dõi các giải pháp chưa được thực hiện thường xuyên; chưa xây dựng được kế hoạch ứng dụng vào thực tiễn; thiếu cơ chế hỗ trợ triển khai nhân rộng và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp; thiếu sự liên kết giữa các bên liên quan, nên hiệu quả ứng dụng các giải pháp đạt giải chưa đạt như mong đợi.

Để các giải pháp đạt giải Hội thị STKT được ứng dụng rộng rãi nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhóm nghiên cứu đề tài đề ra các giải pháp.


Ông Trần Văn Lực - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Long An chia sẻ hoạt động hội thi tại hội thảo Nâng cao hiệu quả ứng dụng các giải pháp đạt giải vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền. Cơ quan thành viên trong Ban Tổ chức hội thi cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp qua nhiều kênh thông tin (hội nghị sơ kết, tổng kết, trang thông tin điện tử của ngành), phối hợp thực hiện các phóng sự, chuyên trang về các giải pháp đạt giải hội thi trên báo, đài.

Tác giả cần chủ động giới thiệu, quảng bá giải pháp đạt giải qua các website cơ quan công tác, mạng xã hội và tham gia trưng bày tại các hội chợ triển lãm công nghệ.

Thứ hai, tiến đến xây dựng phương thức ứng dụng, triển khai nhân rộng kết quả đạt giải hội thi. Cụ thể, Ban tổ chức hội thi cần có kế hoạch định hướng cho hoạt động triển khai ứng dụng các giải pháp đạt giải thông qua các hội thảo, tọa đàm giữa tác giả với doanh nghiệp.

Qua đó, giúp cho các tác giả có cơ hội giao lưu, trao đổi chuyên môn, kết nối ý tưởng giải quyết những yêu cầu đặt ra trong cuộc sống từ giải pháp, chia sẻ những khó khăn trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; đề xuất các giải pháp đạt giải thành các dự án, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trên qui mô lớn.

Đối với cơ quan quản lý chuyên ngành cần xây dựng những chính sách đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp đạt giải, tạo động lực cho các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết kinh doanh và sử dụng các giải pháp. Sự tác động của các chính sách sẽ hỗ trợ tác giả tiếp cận với nguồn kinh phí sự nghiệp của ngành để mở rộng ứng dụng giải pháp vào sản xuất.

Chính quyền địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nơi tác giả công tác và sinh sống quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tác giả tham gia hội thi và triển khai các kết quả ứng dụng nhằm thúc đẩy hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên tại đơn vị.

Riêng tác giả cần định hướng cụ thể việc triển khai ứng dụng giải pháp trước và sau khi tham gia hội thi. Chủ động tìm nguồn hỗ trợ, xây dựng các chiến lược nhằm thu hút nhà đầu tư. Không dừng lại đó, tác giả phải thường xuyên theo dõi và cải tiến giải pháp của mình nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Giữ mối liên hệ với Ban tổ chức hội thi để được hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai ứng dụng các giải pháp.

Thứ ba, đối với giải pháp về vốn, tác giả nên phối hợp, liên kết với các trung tâm dịch vụ về khoa học và công nghệ nhằm cung cấp thông tin của giải pháp cần được tiếp cận với nhiều nhà đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước.

Việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ từ Quỹ khuyến nông, khuyến ngư; khuyến công; Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam; Quỹ đổi mới công nghệ; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; các nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi từ các chương trình, dự án, các chính sách của địa phương... cũng là giải pháp tiếp cận vốn quan trọng để phát triển nhân rộng giải pháp.

Thứ tư, việc liên kết giữa Nhà quản lý - Tác giả của giải pháp - Doanh nghiệp - Đối tượng thụ hưởng được xem là một mắt xích quan trọng trong việc đưa các giải pháp đạt giải hội thi vào ứng dụng thực tế, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Trong mối quan hệ này, cơ quan quản lý phải tạo cầu nối bằng các chính sách hỗ trợ cụ thể, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư những giải pháp sáng tạo kỹ thuật hữu ích. Bên cạnh đó, giải pháp của tác giả phải đảm bảo chất lượng, đạt được sự hài lòng cao của doanh nghiệp và đối tượng thụ hưởng. Riêng đối tượng thụ hưởng (người sử dụng) cần phản hồi những ưu khuyết điểm của giải pháp với tác giả.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp cơ sở lý luận cho Ban tổ chức hội thi đánh giá tình hình ứng dụng của các giải pháp. Thông qua những nhóm giải pháp trên, sẽ giúp cho Ban tổ chức hội thi, các cơ quan quản lý, tác giả, doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và triển khai nhân rộng những giải pháp đạt giải một cách hiệu quả và thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng của các giải pháp đạt giải phục vụ vào sản xuất và đời sống...

Trong giai đoạn 2000-2015, đã có 743 giải pháp tham gia hội thi cấp tỉnh, 50 giải pháp tham gia hội thi cấp toàn quốc. Kết quả có 314 giải pháp đạt giải thưởng cấp tỉnh (1 giải đặc biệt, 19 giải A, 67 giải B, 111 giải C, 116 giải khuyến khích) và có 10 giải pháp đạt giải toàn quốc (3 giải nhì, 1 giải ba, 6 giải khuyến khích). Các giải pháp tham gia thuộc các lĩnh vực: y tế, dược; cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; công nghệ thông tin, điện, điện tử, viễn thông; nông, lâm, ngư nghiệp và môi trường; vật liệu, hóa chất, năng lượng; giáo dục, đào tạo...

Phương Hiền

(Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn