Những mỏ kim cương khổng lồ trong hệ mặt trời

Cập nhật ngày: 14/10/2013 04:32:34

Kim cương luôn là bạn tốt nhất của phái đẹp, và tin mừng là những viên đá quý lấp lánh này nhiều khả năng đang thừa mứa trên ít nhất 4 hành tinh khác của hệ mặt trời.


Viễn cảnh khai thác kim cương dễ dàng trên sao Thổ
 Ảnh: wunderground.com

Những mảng kim cương có thể đang trôi nổi bên trong dung dịch hydrogen và helium nằm sâu trong khí quyển của sao Mộc và sao Thổ. Chưa hết, thậm chí ở những độ sâu thấp hơn, áp suất và nhiệt độ khủng khiếp trên các hành tinh này có thể làm nóng chảy đá quý, tạo nên những cơn mưa kim cương lỏng trên bề mặt của chúng. “Dữ liệu mới đã xác nhận rằng ở độ sâu thích hợp, kim cương có thể trôi nổi xung quanh và bên trong sao Thổ, với một số có kích thước khổng lồ đến nỗi phải gọi chúng là “tảng kim cương” (giống như tảng băng trôi)”, Space.com dẫn báo cáo mới tại Denver, bang Colorado của Mỹ. Đây là kết quả rút ra từ cuộc nghiên cứu do chuyên gia Mona Delitsky của Trường Kỹ sư chuyên ngành California hợp tác với Kevin Baines của Đại học Wisconsin-Madison. Theo đó, khí quyển của những hành tinh khí trong hệ mặt trời sở hữu điều kiện nhiệt độ và áp suất tuyệt hảo cho kim cương hình thành.

Do những hành tinh trên toàn là khí, nên “phần bên trong” của chúng cực nóng, dưới dạng khí điều áp. Các nhà khoa học Mỹ cho rằng kim cương có thể hình thành khi nguyên tố carbon dưới dạng bồ hóng hoặc than chì được tạo ra trong các trận bão sét kinh thiên động địa trên sao Thổ. Chúng rơi xuống khí quyển dày của hành tinh và kết lại thành kim cương. Cụ thể hơn, carbon có thể ở dạng bồ hóng ở phần đỉnh của khí quyển sao Thổ, nhưng khi rơi xuống, nó biến thành than chì ở nhiệt độ khoảng 1.727 độ C. Gần đến lõi của hành tinh, ở nhiệt độ 2.727 độ C, nó biến thành kim cương. Sau đó, những kim cương ở dạng rắn này di chuyển sâu hơn vào sao Thổ, nơi chúng biến thành chất lỏng gần lõi của hành tinh khí. Trước đó, các nhà khoa học biết được rằng kim cương dưới dạng ổn định cũng có thể tồn tại ở gần phần lõi nguội hơn của sao Hải Vương và Thiên Vương tinh (khoảng 5.727 độ C), nhưng cho đến nay, sao Mộc và sao Thổ vẫn bị liệt vào dạng quá nóng để có thể xuất hiện kim cương rắn.

Trong quyển sách nhan đề Các đại dương xa lạ, hai chuyên gia Baines và Delitsky đã mô tả chi tiết cách thức các con tàu khai thác khoáng sản tương lai có thể mon men vào sâu bên trong sao Thổ để thu thập kim cương và quay về trái đất. Theo tính toán của chuyên gia Delitsky, kim cương trên các hành tinh này trung bình phải to cỡ “bàn tay”. Tính riêng tại sao Thổ, phải có đến 10 triệu tấn kim cương được hình thành từ những cơn sấm sét trong khí quyển.

Dù quá trình hình thành kim cương trên các hành tinh trên vẫn là điều bí ẩn, các nhà khoa học cho rằng trên trái đất kim cương hình thành tự nhiên khi carbon bị chôn vùi ở độ sâu khoảng 160 km bên dưới vỏ trái đất. Ở đây, nguyên tố này được nung nóng đến 1.093 độ C và bị nén dưới áp suất khoảng 5 Gpa. Chúng cũng cần phải di chuyển nhanh chóng lên bề mặt trái đất (theo dòng chảy dung nham chẳng hạn) để nguội lại đúng lúc.

Ngoài hệ mặt trời không thiếu các hành tinh kim cương, sau khi một báo cáo cho thấy hành tinh 55 Cancri e cách trái đất 40 năm ánh sáng có thể được cấu tạo phần lớn bằng đá quý, theo CNN.

Nguồn: Phi Yến-thanhnien.com.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn