Ong 'thây ma' bao vây Mỹ
Cập nhật ngày: 28/09/2012 11:14:14
Các chuyên gia Mỹ lên tiếng cảnh báo về sự xuất hiện ngày càng nhiều của ong 'thây ma', loại ong nhiễm ký sinh trùng có thể đe dọa mùa màng vốn phụ thuộc vào sự thụ phấn của côn trùng này.
Con ong mật nhiễm ký sinh trùng
Đầu năm nay, nước Mỹ phát hiện con ong nhiễm ký sinh trùng bay trên vịnh San Francisco. Chúng bị mất phương hướng và lao xuống đất. Gần đây, người ta lại tìm thấy ký sinh trùng ở những con ong mật sống tại Oregon và bang Washington, Livescience đưa tin.
Nhà sinh vật học John Hafernik, Đại học San Francisco cho biết, ong thây ma được phát hiện lần đầu tiên ở Califonia năm 2008. Chúng được tìm thấy nhiều ở Oregon và South Dakota. Giới chuyên gia cảnh báo, ong thây ma có thể lan rộng ra nhiều nơi khác ở dọc bờ tây nước Mỹ.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ong thây ma là hiện tượng ruồi Borealis Apocephalus ký sinh trên lưng con ong mật và tiêm trứng vào bụng ong. Trứng ruồi sau đó sẽ nở thành ấu trùng. Ấu trùng sẽ đục khoét dần sinh vật chủ và chui ra ngoài.
Nhiều người cho rằng, số lượng ong của Mỹ giảm nhanh chóng có một phần là do ruồi ký sinh nói trên gây ra. Nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng về điều này. Tuy nhiên, giới khoa học nhấn mạnh, nếu ong thây ma lan nhanh sẽ là mối đe dọa với các loài cây cần thụ phấn.
Lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ký sinh trùng Borealis Apocephalus ở loài ong vào tháng một năm nay. Vài tháng sau họ phát động giới nghiên cứu theo dõi hiện tượng này qua một website, kêu gọi người nuôi ong gửi mẫu vật ong chết có thể do nhiễm ký sinh trùng để nghiên cứu.
"Tôi nói đùa với các con là lời nguyền thây ma đang bắt đầu ở nhà tôi", người nuôi ong Mark Hohn nói. Hohn đã thu thập mẫu con ong chết tại nhà và gửi đến cơ sở nghiên cứu.
TT (Theo Trang Nguyên-VnE)