Phát hiện trang sức vàng từ 13 thế kỷ trước
Cập nhật ngày: 26/07/2013 05:11:46
Một vài miếng đồ trang sức chứa vàng của người Viking vừa được phát hiện tại một trại nuôi ở Đan Mạch có độ tuổi 1.300 năm.
Trang sức có hình đầu động vật. Ảnh: Ole Kastholm/Roskilde Museum
Tại trang trại thuộc đảo Zealand, Đan Mạch, giới khảo cổ cùng các tình nguyện viên đã sử dụng máy dò kim loại tìm kiếm đồ trang sức và tìm thấy những vật dụng chứa vàng của người Viking. Theo các nhà khoa học, các đồ trang sức tinh xảo phần nào chứng tỏ người Viking có tài năng nghệ thuật trong nghề thủ công mỹ nghệ.
Trong số những thứ tìm thấy có một miếng đồ trang sức dài 73 mm hình đầu động vật với đôi tai và mắt tròn. "Miếng đồ trang sức được chế tạo bằng hợp kim đồng, nó được cho là một phần của chiếc vòng cổ”, nhà khảo cổ học Ole Thirup Kastholm thuộc Bảo tàng Roskilde nói.
Ông nói thêm: “Hình ảnh động vật có cái gì đó không bình thường trong nghệ thuật thời kỳ Viking, nó đại diện cho hành động “Shaman” tức là hành động trung gian giữa thực tế và phi thực tế”. Nhà khoa học này không thể nói chắc chắn ai đã đeo nó, nhưng ông cho rằng khả năng lớn là của một người ưu tú thời đại Viking.
Hiện vật bí ẩn khác được tìm thấy là một chữ thập của Kito giáo. Nó dường như được mang tới từ châu Âu khoảng từ năm 500 tới năm 750. Theo ông Kastholm, trang sức có hình tròn, dát vàng xung quanh một cây thánh giá màu đỏ.
"Làm thế nào các hiện vật Kito giáo đến trại nuôi Viking vẫn là bí ẩn. Giả thuyết cho rằng, một người du lịch Kitô giáo đưa nó vào Vestervang, hoặc thông qua trao đổi hàng hóa, mặt hàng được sử dụng như chiếc trâm, và một phụ nữ "cấp cao" mang nó trong trang phục của cô ấy", Kastholm nói.
Những khám phá trên đặt ra câu hỏi cho các nhà khoa học là tại sao những đồ trang sức quý giá lại có mặt trên một khu định cư nông nghiệp khiêm tốn?
Câu trả lời nằm ở một nơi huyền thoại tên Lejre, cách Vestervang 10 km về phía nam-đông nam. Tom Christensen cho biết: "Truyền thuyết kể rằng đây là nơi các triều đại Đan Mạch đầu tiên cai trị".
“Nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, Lejre dường như là nơi rất giàu có. Năm 1850, một kho báu gồm vàng bạc, đá quý, một chuỗi hạt, một sợi dây chuyền được tìm thấy trong các ngọn đồi gần đó”, ông Christensen nói. Theo ông, sự hiện diện của Lejre gần với Vestervang góp phần giải thích sự có mặt của đồ trang sức mới tìm thấy, và có thể địa điểm này đã được trao cho thuộc hạ của vua Lejre.
Nguồn: Lê Hùng-Vnexpress