Đồng Tháp

Quan tâm, đầu tư nghiên cứu - ứng dụng khoa học công nghệ

Cập nhật ngày: 18/05/2018 15:00:16

Xác định “khoa học và công nghệ là chìa khóa của thành công”, những năm gần đây, Đồng Tháp luôn dành sự quan tâm phát triển khoa học công nghệ (KHCN),  thể hiện qua việc địa phương chủ trương ký kết hợp tác với nhiều Viện, Trường Đại học,... đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các thành tựu KHCN và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Từ đó, nhiều đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã được nghiên cứu, triển khai ứng dụng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh các sản phẩm của Đồng Tháp trên thị trường trong và ngoài nước.


Qui trình trích ly dầu cám được thực hiện tại phòng thí nghiệm của doanh nghiệp Tư nhân Cỏ May Essential. Ảnh: Mỹ Lý

Chuyển giao, ứng dụng nhiều kết quả nghiên cứu khoa học

Kết quả thống kê từ Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, giai đoạn 2011 - 2016 tỉnh Đồng Tháp đã chuyển giao ứng dụng 50 kết quả nghiên cứu khoa học cấp tỉnh.

Trong đó, nhiều kết quả nghiên cứu được đánh giá cao về hiệu quả ứng dụng, tiêu biểu như: Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng của xoài rải vụ ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”, do TS. Trần Văn Hâu làm chủ nhiệm; Đề tài “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng GAP tại Đồng Tháp”, do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đệ làm chủ nhiệm; Đề tài “Gia hóa và chọn lọc tôm càng xanh bố mẹ phục vụ sản xuất giống ở tỉnh Đồng Tháp, do PGS.TS. Trần Ngọc Hải làm chủ nhiệm; Xây dựng quy trình sản xuất ớt để nâng cao năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGAP tại huyện Thanh Bình - Đồng Tháp do PGS.TS. Trần Thị Ba làm chủ nhiệm hay Đề tài “Hoàn thiện quy trình chế biến và bảo quản sản phẩm khô cá lóc và khô cá sặc rằn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Đồng Tháp chủ trì, PGS.TS. Nguyễn Văn Mười làm chủ nhiệm;...

Cùng với việc tiếp nhận ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao từ các Viện, Trường, Đồng Tháp đầu tư phát triển Trung tâm Kỹ thuật Thí nghiệm và Ứng dụng KHCN, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với cơ sở vật chất - phương tiện kỹ thuật hiện đại, đào tạo bồi dưỡng cán bộ có chuyên môn cao nhằm chủ động trong nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm công nghệ mới, sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.

Đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp ở địa phương ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất - chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu  thị trường. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tiếp nhận chuyển giao các thiết bị công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến trên thế giới để đưa vào ứng dụng. Đơn cử như Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May Essential ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực trích ly, chiết xuất và điều chế các tinh chất chọn lọc từ các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ địa phương. Ứng dụng này hướng đến việc phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cung cấp cho các ngành công nghiệp thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm và các lĩnh vực khác.

Một số doanh nghiệp ở địa phương có nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN như Domesco, Imexpharm với các sản phẩm nghiên cứu, điều chế dược phẩm có giá trị, hay tiêu biểu là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, với sản phẩm nghiên cứu collagen có giá trị cao được chiết xuất thành công từ da cá với công suất 2.000 tấn thành phẩm/năm (1.000 tấn collagen peptide và 1.000 tấn gelatin). Hiện Vĩnh Hoàn là đơn vị duy nhất trong nước chiết xuất được collagen, nhất lại là từ da cá tra.

Phát huy tiềm năng sáng tạo

Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ hoạt động nghiên ứng dụng (đề tài, dự án) KHCN, UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho Liên hiệp các Hội KH&KT chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức hội thi Sáng tạo kỹ thuật. Hội thi đã góp phần thúc đẩy, phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của quần chúng nhân dân. Hưởng ứng phong trào thi đua lao động sáng tạo, nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến công nghệ phục vụ sản xuất đã góp phần cơ giới hóa - tự động hóa hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Nhiều giải pháp sáng tạo hữu ích đã được công chúng khắp nơi đón nhận, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài là tác phẩm của những kỹ sư, nông dân Đồng Tháp, những người mà người ta vẫn quen gọi là các “Nhà khoa học chân đất”. Có thể kể đến như: những chiếc máy nông nghiệp (máy thu hoạch bắp liên hợp, máy cuộn rơm...) của anh Phan Tấn Bện, máy hút thổi nguyên liệu rời của anh Đỗ Thanh Đô, máy đắp bờ một bên của nông dân Nguyễn Văn Đế, dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động của nông dân Nguyễn Thanh Tú; các giải pháp lai tạo giống lúa của nông dân Trần Anh Dũng...


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng trao chứng nhận Giải A Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật năm 2017 cho ông Phan Tấn Bện (huyện Tháp Mười). Ảnh
Huỳnh Hiền

Song song với hoạt động nghiên cứu sáng tạo - ứng dụng KHCN trong nhiều lĩnh vực, những mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên phong thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp do những cá nhân, đơn vị ở địa phương mạnh dạn thực hiện đã mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân. Từ đó, chuyển biến nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất cũ, học tập và làm theo phương thức sản xuất mới với các phương châm “giảm chi phí, tăng chất lượng”, “sản xuất nông nghiệp an toàn”...

Một số mô hình ứng dụng KHCN được tỉnh triển khai nhân rộng trong thời gian qua, có thể kể đến như: Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa kiểng, nhân giống bằng phương pháp cấy mô; ứng dụng công nghệ sinh thái trên ruộng lúa, sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ, ứng dụng hệ thống GIS trong quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự báo dịch hại trên cây lúa; sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP ở xoài, quýt hồng, nhãn hay sản xuất cá tra giống theo phương pháp nhân tạo...

Bên cạnh đó, từ việc chủ trương thí điểm, mạnh dạn ứng dụng và nhân rộng các sản phẩm nghiên cứu, tiến bộ KHCN đã giúp cho nông nghiệp Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả nổi bật. Có thể kể đến như đối với ngành hàng lúa, gạo của tỉnh, việc tổ chức liên kết sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đã giúp hạ chi phí sản xuất (giảm hơn 600đồng/kg lúa); mặt hàng xoài Cao Lãnh sản xuất rải vụ, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được thực hiện thành công, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường các nước: Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Ngoài ra, một số kỹ thuật mới trong sản xuất giống, ứng dụng công nghệ nhà màng cùng các máy móc thiết bị tiên tiến áp dụng trong sản xuất hoa kiểng, đã góp phần nâng cao thu nhập các hộ dân trồng hoa kiểng ở địa phương (thu nhập của người trồng hoa đạt mức trung bình 150 triệu đồng/ha/năm, trồng kiểng 400 triệu đồng/ha/năm).

Có thể nói, chủ trương đầu tư nghiên cứu - ứng dụng KHCN của lãnh đạo tỉnh, sự quan tâm hỗ trợ của các nhà khoa học và đặc biệt là tinh thần mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm!” của nhân dân Đất Sen hồng đã phát huy hiệu quả, bước đầu gặt hái được những thành công. Nhờ áp dụng KHCN, tiến bộ kỹ thuật mà sản phẩm mang thương hiệu Đồng Tháp gắn liền với các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng để có mặt trên thị trường trong và ngoài nước, mang về những con số lợi nhuận đáng phấn khởi cho người dân và doanh nghiệp nơi đây.

Vẫn biết rằng, con đường phát triển của Đồng Tháp sắp tới còn nhiều chông gai, thử thách. Hiện hữu trước mắt đang là tác động, ảnh hưởng to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới. Trong cuộc cách mạng này, sức mạnh KHCN sẽ là ưu thế cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực, nó quyết định trật tự “mọi cuộc chơi !”.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp năm 2017, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn  lớn thể hiện sự quan tâm, cam kết hợp tác đầu tư tại Đồng Tháp với tổng số tiền lên đến 24.000 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Đồng Tháp nhận được sự hỗ trợ từ những dây chuyền công nghệ máy móc hiện đại mà các doanh nghiệp mang lại, đặc biệt là trong khâu chế biến bảo quản nông sản, hoàn thiện mẫu mã sản phẩm, hệ thống logistics, đưa thương hiệu Đất Sen hồng vươn ra thế giới.

Từ tinh thần cầu thị, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đất Sen hồng với đội ngũ trí thức, các nhà khoa học sẽ tạo nên sức mạnh “đoàn kết trí tuệ”. Từ đây, địa phương sẵn sàng vượt qua mọi thách thức để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm có sự bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm Đồng Tháp trong tương lai.

Th.s Lê Minh Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn