Thác nước chảy vào 'chiếc ấm của quỷ'
Cập nhật ngày: 10/08/2013 06:03:52
Thác nước đôi Devil’s Kettle ở Mỹ có một dòng chảy vào hồ Superior, nhưng điểm đến của dòng kia thì vẫn còn là một ẩn số của thiên nhiên, và là câu hỏi hóc búa với giới khoa học suốt hàng thập kỷ qua.
Thác nước Devil’s Kettle luôn là bí ấn với giới khoa học. Ảnh: Flickr
Dọc mạn bắc của hồ Superior, dòng sông Brule, nằm cách biên giới Mỹ và Canada một vài dặm về phía nam bị chia làm đôi bởi một tảng đá nhô lên chính giữa.
Trong khi một dòng chảy xuống dọc theo hai gờ đá và đổ xuống hồ Superior như thác nước bình thước khác, thì dòng bên kia lại chảy vào một hố sâu, được gọi là Devil’s Kettle (Chiếc ấm của quỷ) và biến mất ngay tại đó. Đến bây giờ, thác nước nhỏ này đổ về đâu vẫn là một câu hỏi hóc búa.
Tin rằng phải có một điểm kết thúc cho dòng chảy ở đâu đó bên dưới hồ Superior, nhiều nhà nghiên cứu và những người ưa khám phá đã đổ thuốc nhuộm, quả bóng bàn, và khúc gỗ vào hố Devil’s Kettle. Sau đó họ cùng chờ đợi dấu hiệu ở mặt hồ. Tuy nhiên, đến nay tất cả những thứ cho vào hố sâu đều mất tích.
Hiện tượng trên còn trở nên bí ẩn hơn, khi các nhà địa chất học đến kiểm tra hố Devil’s Kettle.
Nếu như trong phim ảnh, bên dưới hố sâu này là cả một con sông ngầm rộng và dài, thì thực tế, những kiểu động ngầm và sâu như thế lại rất hiếm. Nó chỉ hình thành ở nơi có loại đá mềm như đá vôi. Trong khi địa chất ở phía bắc bang Minnesota được hình thành bởi loại đá cứng hơn rất nhiều.
Theo lý thuyết, đối với một số loại đá cứng trong vùng như ryolit và bazan, quá trình kiến tạo của chúng đôi lúc tác động vào những lớp đá ngầm, và tạo nên môi trường cho nước dễ thấm qua. Tuy nhiên, không hề có một bằng chứng nào cho thấy hiện tượng này đã xảy ra trong lớp địa chất của vùng. Nếu thực sự có hiện tượng như vậy, hố Devil’s Kettle không thể có khả năng hút nước từ sông Brule theo cách vô hạn như thế...
Một giả thuyết khác cho rằng, hàng triệu năm trước đây, một ống dung nham rỗng đã hình thành trong bề mặt bên dưới của lớp đất bazan ở thác. Theo thời gian, nước chảy vào làm xói mòn bề mặt đá ryolit, và chảy thẳng xuống hố dung nham này. Từ đó, nó tạo ra một lỗ mở lớn bên dưới đáy hồ Superior.
Tuy nhiên, giả thuyết này khiến nhiều người nghi vấn. Thực tế, những ống dung nham được hình thành trong lớp bazan chảy dọc núi lửa. Nếu địa chất ở vùng bắc Minnesota có thể tạo ra một trường hợp ngoại lệ so với lý thuyết đó, thì từ trước đến nay chưa hề có ống dung nham nào được phát hiện trong hàng trăm lớp bazan trong vùng.
Theo MNN/An ninh thủ đô