Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Cập nhật ngày: 25/02/2025 10:09:02

ĐTO - Đồng Tháp đang trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Do vậy, rất cần có nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. UBND tỉnh đã triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ năm 2024 “Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tăng tốc, sáng tạo; hiệu quả, bền vững” và khẩu hiệu của tỉnh Đồng Tháp năm 2024 “Chính quyền kiến tạo, công dân số; kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”.

Công chức xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hỗ trợ người dân
Nổi bật, công tác đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thường xuyên; hơn 96% cán bộ, công chức cấp huyện, tỉnh có trình độ từ đại học trở lên; 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và phục vụ Nhân dân. Chương trình “Mê kông 1000” và “Học và thực hành tại doanh nghiệp ở nước ngoài” đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ theo Nghị quyết số 03 ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, tập trung khắc phục những “điểm nghẽn” về nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức Hội nghị học tập Chuyên đề năm 2025 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”.
Thông qua học tập giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có thêm điều kiện nghiên cứu, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và hết sức cần thiết trong thời gian tới. Nhất là sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài trên quê hương Đất Sen hồng.
Chất lượng giáo dục của Đồng Tháp ở một số chỉ tiêu xếp trong nhóm 3/12 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. TP Sa Đéc và TP Cao Lãnh được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu. Tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt trình độ đào tạo chuẩn cao hơn chỉ tiêu đến năm 2025 của Chính phủ. Tỉnh đã triển khai xây dựng 123/196 dự án theo Chương trình bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, đạt trên 62%; các mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán (STEM) và dạy học ngoại ngữ được nhân rộng, qua đó 100% cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy học ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc liên kết, hợp tác với các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tăng cường. Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp là thành viên mạng lưới các Viện - Trường đào tạo y tế công cộng hạ lưu sông Mê kông; Trường Đại học Đồng Tháp tham gia mạng lưới các trường thuộc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO).
Nhằm đẩy mạnh phát triển sâu, rộng nguồn nhân lực, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh khuyến khích mở rộng xã hội hóa giáo dục - đào tạo ở các cấp học; nâng cao năng lực đối với lực lượng cán bộ, công chức trẻ, làm nòng cốt trong quản lý, nghiên cứu khoa học ở những ngành chủ lực, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng. Tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương, đồng thời xây dựng, phát triển cơ sở hệ thống dữ liệu về thị trường cung - cầu lao động và các cơ sở đào tạo, tạo cơ chế thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu, tiêu chí của doanh nghiệp, đào tạo nghề nghiệp cho nhân lực đáp ứng thị trường lao động nước ngoài.
Tỉnh xác định cụ thể các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ khả thi phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế tại địa phương, nhằm cải thiện năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Thu hút các dự án có hàm lượng khoa học và công nghệ cao; tìm kiếm hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Thực hiện hiệu quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ khoa học và công nghệ; chế độ đãi ngộ đối với những người có sáng tạo trong lao động.
DŨNG CHINH