Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số Quốc gia
Cập nhật ngày: 22/12/2021 20:40:34
ĐTO - Chiều ngày 22/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo hội nghị; cùng tham dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở TT&TT tham dự hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh
Năm 2021, toàn ngành TT&TT cố gắng, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành TT&TT được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong đó, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/168 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020). Xếp hạng chỉ số phát triển Viễn thông IDI của Việt Nam ước tính xếp 74/176 quốc gia (tăng 3 hạng so với năm 2020). Số tên miền quốc gia “.vn” đạt 544.361 tên miền, tăng 5,2% so với năm 2020, thuộc top 11 Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 45 toàn cầu. Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 100% kế hoạch đặt ra.
Bên cạnh đó, công cuộc chuyển đổi số Quốc gia lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Công tác truyền thông, báo chí đã phản ánh trung thực, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt,..; tích cực tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực, niềm tin trong xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành TT&TT đạt được trong năm 2021. Đồng thời yêu cầu ngành TT&TT tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số Quốc gia trên cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu. Đến hết năm 2022 đưa Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về chính phủ điện tử, chính phủ số. Tiếp tục phối hợp các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh; nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu về tài nguyên, đặc biệt là dữ liệu về đất đai.
MỸ XUYÊN