Khoa học và công nghệ
Tính ứng dụng, hiệu quả trong sản xuất, đời sống
Cập nhật ngày: 31/08/2021 05:44:59
ĐTO - Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) được tỉnh chú trọng. Cùng với sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp đã góp phần đổi mới và đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế, nâng cao giá trị chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, hàng hóa của tỉnh trên thị trường.
Hệ thống điều khiển tưới thông minh trên vườn cây ăn trái giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất (Ảnh tư liệu)
Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN đạt hiệu quả
Theo Sở KH&CN, thời gian qua, hoạt động nghiên cứu và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến tính ứng dụng, hiệu quả và đạt được một số kết quả tích cực. Các chương trình, đề tài, dự án khoa học, đặc biệt là các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp cơ sở luôn bám sát và phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đạt hiệu quả trong nghiên cứu, thực nghiệm được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh triển khai thực hiện 36 nhiệm vụ cấp tỉnh, đạt khoảng 80% chỉ tiêu đề ra của Kế hoạch 63/KH-UBND. Trong đó, có 16 nhiệm vụ đã nghiệm thu và chuyển giao đưa vào ứng dụng, 20 nhiệm vụ đang triển khai. Nội dung triển khai các nhiệm vụ KH&CN giai đoạn này tập trung vào việc khảo nghiệm giống mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào canh tác, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất nông nghiệp, nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân hướng đến sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản nhằm phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười) thử nghiệm mô hình trạm giám sát sâu rầy thông minh trên đồng ruộng (Ảnh tư liệu)
Những kết quả đạt được đáng chú ý là trên 80% diện tích sản xuất xoài đã áp dụng kỹ thuật bao trái, ra hoa trái vụ; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đối với cây lúa, rau màu, cây ăn trái; thực hành chăn nuôi tốt theo tiêu chuẩn VietGAP; 100% diện tích ao nuôi cá tra thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học nhằm ổn định nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chỉ số tiêu thụ thức ăn, cải thiện chất lượng thịt; trên 95% diện tích nuôi thủy sản đã áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP...; áp dụng công nghệ của Israel về sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực và ứng dụng quy trình sản xuất giống cá rô phi đơn tính sử dụng hormon MT (17 Alpha - Methyl Testosteron) nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng và năng suất; áp dụng công nghệ biogas, tạo đệm lót sinh học để xử lý ô nhiễm quy mô hộ tại làng nghề, trong hoạt động chăn nuôi...
Về công tác chuyển giao, phát triển công nghệ tại địa phương, doanh nghiệp, tỉnh đã ban hành các văn bản hành chính về cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư vào hoạt động KH&CN như: chuyển giao, đổi mới công nghệ và ứng dụng KH&CN xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến. Giai đoạn 2016 - 2020 đã xem xét hỗ trợ cho 31 lượt tổ chức/cá nhân đầu tư vào các hoạt động chuyển giao công nghệ, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (ISO 9001, HACCP, ASC, BRC...) đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích...
Về đổi mới sáng tạo, thực hiện chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo và hỗ trợ hoạt động sáng tạo không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Sở KH&CN đã hỗ trợ 2 sản phẩm sáng tạo không chuyên: “Hệ thống điều khiển tưới thông minh” của tác giả Ngô Hùng Thắng (xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò) và sản phẩm “Máy cho cá ăn tự động” của tác giả Đặng Văn Mãi (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh). Giới thiệu 4 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh tham dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST); 1 doanh nghiệp tham dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST)...
Song song đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH&CN, Sở KH&CN thường xuyên tổ chức triển khai công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ đến các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, giúp cơ sở sản xuất có công cụ quản lý chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao và giữ ổn định chất lượng sản phẩm, tăng uy tín sản phẩm, hàng hóa trên thị trường; xác lập quyền sở hữu trí tuệ...
Đồng Tháp cũng đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác với nhiều viện, trường, cơ quan nghiên cứu trong nước về hoạt động KH&CN. Nội dung hợp tác tập trung vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển công nghệ trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và tư vấn, phản biện về hoạt động nghiên cứu khoa học và đề xuất chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Cụ thể là phối hợp với các viện nghiên cứu chuyên ngành trong vùng triển khai các nội dung nghiên cứu trên cây ăn trái, hoa kiểng, rau màu, lúa để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng với Trường Đại học Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết Kế hoạch phối hợp về nghiên cứu chuyển giao ứng dụng KH&CN và đào tạo phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp...
Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sơ chế và bảo quản sau thu hoạch đối với trái xoài (Ảnh tư liệu)
Nâng cao hiệu quả, tính ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN
Có thể khẳng định, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN giai đoạn 2016-2020 đã mang lại hiệu quả tích cực, phục vụ tốt hơn yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương: các nội dung triển khai tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm theo định hướng của tỉnh; đề tài, dự án triển khai thực hiện đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, có địa chỉ ứng dụng và được chuyển giao ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của tỉnh và địa phương, doanh nghiệp, việc đổi mới công nghệ còn hạn chế. Nguyên nhân là do một số chủ trương, chính sách về phát triển KH&CN triển khai vào thực tế còn chậm và gặp khó khăn, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, quy mô diện tích sản xuất từng hộ hiện nay còn nhỏ lẻ, sản xuất còn mang tính tự phát làm cho việc áp dụng đồng bộ và việc nhân rộng mô hình các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn gặp khó khăn.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, để nâng cao hiệu quả, tính ứng dụng của các nhiệm vụ KH&CN, thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các giải pháp về chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ như: xây dựng chương trình khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn hóa; xây dựng công cụ hỗ trợ tài chính (hỗ trợ lãi vay một phần hay toàn phần) cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua các dự án đầu tư đổi mới công nghệ; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào quá trình ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN mới; hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời xây dựng chính sách, giải pháp hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có yếu tố công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Song song đó, Đồng Tháp sẽ thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình phát triển nông thôn mới của tỉnh; phục vụ các ngành giao thông, xây dựng; công nghệ thông tin; giáo dục và đào tạo, công nghệ cao trong lĩnh vực y tế; nghiên cứu các giải pháp thu gom, xử lý chất thải và tái chế, tái sử dụng năng lượng trong xử lý chất thải, ứng dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, tập trung ứng dụng phát triển thương mại điện tử, hoàn thiện, duy trì và phát triển hệ thống trang web cho khu vực công, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực.
MN