Trồng cây ở sa mạc giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 03/08/2013 15:35:19

Trồng một số lượng lớn cây chịu hạn trong khu vực sa mạc có thể là cách hiệu quả để giảm nhẹ biến đổi khí hậu.


Cảnh quan sa mạc. Ảnh: Kokhanchikov/Fotolia

Khi thế giới bắt đầu cảm thấy những tác động gia tăng lượng khí CO2 trong khí quyển và hậu quả của việc nóng lên toàn cầu, giới nghiên cứu đang tìm kiếm một kế hoạch B để giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Một nhóm nhà khoa học Đức đã đưa ra phương pháp thân thiện với môi trường mà con người có thể thực hiện được.

Công bố đăng trên tạp chí Earth System Dynamics, một tạp chí khoa học địa chất của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, phương pháp trên là kỹ thuật “nông nghiệp cacbon”, bao gồm việc trồng cây ở vùng khô hạn trên diện rộng để thu giữ CO2, Science Daily đưa tin.

Tác giả Klaus Becker từ Đại học Hohenheim, Stuttgart, Đức cho biết: “Trồng cây giúp hấp thụ khí thải CO2 do hoạt động con người tạo ra, CO2 là một trong những yếu tố tác động đến biến đổi khí hậu”.

"Thiên nhiên sẽ tốt hơn nếu chúng ta hiểu và sử dụng chúng một cách bền vững", đồng nghiệp của ông, Volker Wulfmeyer nói.

Đề cập đến việc cô lập cacbon từ khí quyển, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, cây Jatropha curcas có thể sử dụng và đem lại hiệu quả rất tốt (cây Jatropha curcas ở Việt Nam còn gọi là cây Cọc rào). Loài này phát triển trong điều kiện khô cằn, đất nóng và khô, nó không cần nhiều nước để sống và không phù hợp cho sản xuất lương thực. Nếu trồng ở ven biển, con người sẽ áp dụng cây vào việc khử muối trong nước nhiễm mặn để làm nước tưới. Nếu thực hiện thành công, các chuyên gia nhận định, đây là việc làm lý tưởng.

Wulfmeyer nói: "Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là lần đầu tiên các chuyên gia về thủy lợi, chuyên gia khử muối, hấp thụ cacbon, kinh tế và khoa học khí quyển ngồi với nhau cùng phân tích tính khả thi của một đồn điền quy mô lớn thu giữ CO2 một cách toàn diện. Chúng tôi áp dụng nhiều mô hình máy tính và sử dụng dữ liệu từ cây Jatropha curcas trồng ở Ai Cập, Ấn Độ và Madagascar”.

Nghiên cứu mới của Earth System Dynamics chỉ ra rằng, một hecta Jatropha curcas hấp thụ 25 tấn khí CO2 mỗi năm, trong khoảng thời gian 20 năm. Một khu đất chiếm 3% diện tích sa mạc Arab có thể hấp thụ lượng CO2 tương đương tạo ra bởi xe có động cơ ở Đức trong một vài thập kỷ. Với khoảng một tỷ ha đất thích hợp, phương pháp này sẽ thu hồi CO2 đã thêm vào khí quyển kể từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp.

Sau một vài năm, cây trồng trên sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh học cần thiết cho các hoạt động của con người. Becker cho biết thêm: “Từ quan điểm của chúng tôi, trồng rừng để hấp thụ cacbon là một lựa chọn kỹ thuật hiệu quả nhất và an toàn với môi trường để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thực vật đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ cacbon toàn cầu trong hàng triệu năm, trái ngược với nhiều kỹ thuật áp dụng rất tốn kém của con người”.

Nhưng hạn chế chính để thực hiện phương pháp này là thiếu kinh phí, con người ít hiểu biết về những lợi ích trồng rừng quy mô lớn trong khu vực, bao gồm cả yếu tố thời tiết như mây và lượng mưa. Hệ thống nghiên cứu vẫn còn thiếu dữ liệu thực nghiệm về tác động của vùng đất khô cằn, sự tích tụ muối trong đất sa mạc cần phải được đánh giá cẩn thận.

Giới khoa học hy vọng sẽ có đủ thông tin để thiết lập một dự án thí điểm trên quy mô nhỏ và lớn, tìm hiểu lợi ích của phương pháp này so với các biện pháp địa kỹ thuật khác.

Nguồn: Lê Hùng-VnExpress

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn