Vai trò của truyền thông đối với hoạt động nghiên cứu khoa học

Cập nhật ngày: 19/05/2022 11:44:12

ĐTO - Nghiên cứu khoa học là một hoạt động xã hội, theo đó, chủ thể nghiên cứu dựa trên dữ liệu, tài liệu đã có và các phương pháp khác nhau nhằm tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết; phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học về thế giới; sáng tạo phương pháp mới và phương tiện kĩ thuật mới để cải tạo thế giới.


Hội thảo Nâng cao vai trò truyền thông khoa học, công nghệ do Liên hiệp Hội tổ chức

Có nhiều cách phân loại nghiên cứu khoa học. Theo chức năng nghiên cứu phân loại nghiên cứu khoa học thành: nghiên cứu mô tả; nghiên cứu giải thích; nghiên cứu dự báo; nghiên cứu sáng tạo. Theo tính chất của sản phẩm nghiên cứu, phân loại nghiên cứu khoa học thành: nghiên cứu cơ bản, tức các nghiên cứu nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc bên trong của các sự vật, hiện tượng; nghiên cứu ứng dụng, tức vận dụng thành tựu của các nghiên cứu cơ bản để giải thích sự vật, hiện tượng; tạo ra các giải pháp, qui trình công nghệ, sản phẩm để áp dụng vào đời sống và sản xuất; nghiên cứu triển khai, tức là vận dụng các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng để tổ chức triển khai, thực hiện ở qui mô thử nghiệm.

Truyền thông được hiểu là tổng thể những phương tiện, cách thức để truyền tải, chia sẻ thông tin, giúp mọi người có thể trao đổi, tương tác thông tin với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết và thay đổi nhận thức. Xã hội càng phát triển, các kênh truyền thông ngày càng phát triển, đa dạng và phong phú. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là mạng internet toàn cầu, con người càng có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin. Mặt khác, bản thân sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại cũng ảnh hưởng, tác động rất lớn đến các phương thức truyền thông truyền thống.

Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông tin cũng như giúp cho mọi người có thể tiếp cận thông tin. Nói cách khác, giá trị và ý nghĩa của thông tin phụ thuộc rất lớn vào công tác truyền thông. Đối với cán bộ nghiên cứu khoa học, phạm vi và mức độ tiếp cận thông tin được quyết định bởi các kênh truyền thông mà họ tiếp cận cũng như năng lực tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua các kênh truyền thông khác nhau.

Từ thực tế cho thấy, hoạt động nghiên cứu khoa học không có mục đích tự thân “khoa học vì khoa học”, “sản phẩm nghiên cứu được nghiệm thu xong chỉ để cất trong tủ” mà phải hướng đến yêu cầu là khoa học phục vụ đời sống. Nói như vậy nghĩa là, hoạt động nghiên cứu khoa học bao giờ cũng hướng đến mục tiêu tạo ra tri thức mới, thực hiện tư vấn chính sách, cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hay lĩnh vực khoa học nào đó.


Đại biểu tham quan các gian hàng sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp tại hội nghị chuyên đề Vai trò đổi mới sáng tạo trong đóng góp phát triển kinh tế - xã hội

Để thực hiện được yêu cầu này, đòi hỏi người nghiên cứu cũng như cơ quan, tổ chức nghiên cứu cần coi trọng việc sử dụng thông tin truyền thông để giới thiệu và đưa sản phẩm, kết quả nghiên cứu đến với công chúng và xã hội. Hoạt động này người ta gọi là xã hội hóa kết quả nghiên cứu.

Xã hội hóa kết quả nghiên cứu thực chất là quá trình phối hợp, cộng tác giữa các bên (người có sản phẩm nghiên cứu, đơn vị truyền thông) nhằm đưa sản phẩm, kết quả nghiên cứu lên các kênh truyền thông phù hợp, chủ yếu là các kênh truyền thông chính thống. Mức độ xã hội hóa kết quả nghiên cứu vừa thể hiện năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học của nhà khoa học vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của người nghiên cứu đối với xã hội. Từ phương diện này cho thấy, truyền thông có vai trò quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây được xem là phương tiện quan trọng giới thiệu sản phẩm, kết quả nghiên cứu của cán bộ nghiên cứu khoa học đối với xã hội và công chứng, từ đó, góp phần để người nghiên cứu thể hiện trách nhiệm với xã hội. Đồng thời góp phần khẳng định uy tín của cán bộ nghiên cứu khoa học trong cộng đồng khoa học, xã hội. Nhờ truyền thông đạt hiệu quả, giúp người nghiên cứu có thể kết nối được với các cá nhân, tổ chức khác, tranh thủ được các nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu có liên quan.


Sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ học phương pháp nghiên cứu khoa học

Trong thời gian tới, để nâng cao vai trò của truyền thông đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, cần thực hiện một số nội dung quan trọng. Đối với tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học cần hiện đại hóa hệ thống thông tin, truyền thông của đơn vị. Đa dạng hóa các hoạt động nhằm tạo điều kiện để cán bộ nghiên cứu khoa học mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin thông qua tổ chức hội thảo, tọa đàm, các kỳ họp của Hội đồng nhân dân... Đồng thời đánh giá khảo sát năng lực và kỹ năng sử dụng thông tin, truyền thông của đội ngũ cán bộ khoa học để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ cán bộ khoa học trong xã hội hóa kết quả nghiên cứu.

Đối với cán bộ nghiên cứu khoa học, cần coi trọng vai trò của truyền thông đúng mức trong nghiên cứu khoa học; đa dạng hóa các kênh tiếp cận thông tin (sách, báo, tạp chí, hội thảo, mạng internet) ở trong nước và thế giới. Biết lựa chọn kênh truyền thông phù hợp, uy tín để tiếp cận và tìm kiếm thông tin. Hiện nay, có nhiều tạp chí trong nước và quốc tế, các kênh thông tin nhưng chưa chính thống và uy tín. Do đó, cần phải có năng lực nhận diện uy tín của từng kênh truyền thông. Mặt khác, nâng cao kỹ năng trong tìm kiếm và thu thập thông tin, nhất là khai thác thông tin trên mạng internet, các kênh truyền thông có uy tín của thế giới; nâng cao trình độ ngoại ngữ để phục vụ việc tìm kiếm, xử lý thông tin phục vụ nghiên cứu cũng như công bố quốc tế.

PHẠM HÒA

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn