“Dàn xới cải tiến máy xới tay” - sáng chế hữu ích cho ngành nông nghiệp

Cập nhật ngày: 25/10/2013 05:40:58

Hiện nay, xới và trục là 2 khâu cải tạo đất không thể thiếu sau mỗi mùa vụ. Tuy nhiên, giá các loại máy này trên thị trường khá cao, nhưng mỗi loại máy chỉ có một chức năng xới hoặc trục nên bà con nông dân ngại đầu tư vì chi phí tốn kém. Trước nhu cầu này, sau nhiều năm mày mò, anh Lê Công Thống (SN 1977) chủ cơ sở cơ khí Lê Thống thuộc ấp Phú Lợi, xã An Long, huyện Tam Nông đã cải tiến tích hợp thành công hai chức năng trên vào một chiếc máy với hiệu quả bất ngờ.


Anh Thống giới thiệu “dàn xới cải tiến máy xới tay”

Anh Lê Công Thống đam mê ngành cơ khí từ thuở nhỏ và quyết tâm theo học nghề từ năm 20 tuổi. Nhiều năm tiếp xúc với ngành cơ khí giúp anh Thống có bề dày trải nghiệm từ công việc, quan trọng hơn, anh nhận thấy được tầm quan trọng của cơ khí trong phục vụ nông nghiệp. Năm 2003, anh về quê nhà Tam Nông mở xưởng cơ khí Lê Thống.

Anh cho biết: “Ý tưởng cải tiến chiếc máy xuất phát từ thực tế nông dân vùng mình chủ yếu sử dụng máy xới Trung Quốc, Nhật với giá cao, mua về phải tốn thêm chi phí cải tiến cho phù hợp với đất của địa phương. Tôi thấy nông dân vất vả trong khâu làm đất phải qua 2 giai đoạn, từ xới đất cho tơi xốp, sau đó trục cho đất bằng phẳng, tốn chi phí nhiều. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng chế tạo một máy có 2 tính năng vừa xới vừa trục để giảm nhẹ chi phí”. Suy nghĩ đó cứ theo anh mãi, để rồi anh nảy sinh những sáng tạo trong nghề.

Để hoàn thiện được “dàn xới cải tiến máy xới tay”, anh Thống phải dành rất nhiều thời gian trong việc suy nghĩ, hình dung về nguyên lý vận hành. Sau đó, anh tìm kiếm và tập hợp những vật liệu có liên quan. Trong khoảng thời gian 1 năm nghiên cứu lắp ráp, anh tốn rất nhiều công sức, thực hiện nhiều thử nghiệm để cho xuất xưởng “dàn xới cải tiến máy xới tay” vào đầu năm 2004. Sau thời gian thử nghiệm trên những cánh đồng thuộc địa bàn xã An Long, đa số bà con đều phấn khởi bởi chiếc máy cải tiến có nhiều ưu điểm vượt bậc.

Không dừng lại ở đó, anh Thống tiếp tục nghiên cứu thay đổi kích thước chiếc bánh lồng sắt với đường kính lớn hơn, bổ sung thêm bộ bánh lá, rút ngắn giàn ben lại cho trọng lượng máy nhẹ hơn, mục đích để máy xới được chỗ lầy, khu vực đồng nước, vùng trũng. Công suất hoạt động của máy khoảng 28 mã lực. Kết quả cho thấy khi sử dụng máy, tiến độ làm việc cao hơn nhiều lần so với loại máy cùng loại ngoại nhập. Trong một ngày, máy có thể cải tạo khoảng 3-4ha đất, với 1ha đất chỉ tốn khoảng 10-12 lít dầu, chi phí thuê máy khoảng 3-3,5 triệu đồng, rẻ hơn so với loại máy khác cùng loại.

Theo anh Thống, “dàn xới cải tiến máy xới tay” vận hành theo cơ cấu như sau: 1 bông xới đặt phía trước xới đất lên cho tơi xốp, bông trục phía sau làm đất bằng, nhuyễn, hộp số điều khiển, thân máy gọn nhẹ trọng lượng khoảng 800kg, di chuyển tiện lợi hơn so với máy nhập khẩu. Điểm đặc biệt của máy này là thích ứng với mùa nước nổi, khi nông dân có nhu cầu trục đất thì cất dàn bông xới lên bằng hệ thống thủy lực. Giá thành của chiếc máy khoảng 50-65 triệu đồng, tùy theo loại hộp số lắp ráp.

“Để hoàn thành một dàn số cải tiến máy xới tay tôi mất thời gian 4 ngày với 7 người thợ. Khoảng thời gian làm thợ cơ khí, mong muốn lớn nhất của tôi là cung cấp máy nội địa có chất lượng, giảm các chi phí làm đất và mang hiệu quả cao cho nông dân”, anh Thống chia sẻ.

Trong 1 năm, xưởng cơ khí Lê Thống có thể xuất hơn 60 “dàn xới cải tiến máy xới tay” các loại ra thị trường các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn