“Hậu” chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cần phải làm gì?
Cập nhật ngày: 19/01/2015 13:31:24
Được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là cơ hội để các sản phẩm vươn xa ra thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm ở giai đoạn “hậu” chứng nhận, bởi khó khăn lớn nhất của các địa phương có sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu là chưa sản xuất được sản phẩm đồng nhất, đạt chất lượng để thu hút doanh nghiệp bao tiêu...
Đầu ra khoai môn Mỹ An Hưng còn bấp bênh
Tạo cơ hội để các sản phẩm vươn xa...
Cây khoai môn và kiệu được trồng từ khá lâu trên vùng đất Mỹ An Hưng A và Hội An Đông với diện tích sản xuất hàng năm khoảng 700ha. Cây kiệu là cây trồng rất đặc thù của xã Hội An Đông với diện tích sản xuất gần 40ha. Kiệu thường được trồng và thu hoạch khoảng tháng 11 và 12 âm lịch để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. “Khoai môn ở đây được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có những ưu thế riêng như: thịt khoai ngon, có vân, nhiều bột, bùi, mùi thơm nhẹ” - bà Phạm Thị Diễm Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng A cho biết.
Để 2 sản phẩm này được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, ngay từ năm 2012, UBND huyện Lấp Vò tiến hành các bước lập hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu khoai môn và kiệu, đồng thời tuyên truyền về tác dụng của nhãn hiệu đến người dân để họ đăng ký thành viên tham gia. Việc Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ cho 2 nhãn hiệu là cơ sở cho huyện phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm đến nhiều địa phương trên cả nước, giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Ông Đặng Văn Long - một trong những nông dân trồng khoai môn lâu năm ở ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng A cho biết: Khoai môn Mỹ An Hưng được trồng nhiều năm nay, quanh vùng ai cũng biết tiếng. Thế nhưng, do không được tuyên tuyền, quảng bá nên chưa được thị trường biết tới. Việc khoai môn Mỹ An Hưng được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, người dân chúng tôi rất vui mừng bởi đây sẽ là cơ hội quảng bá đến người tiêu dùng, giúp sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Lấp Vò, được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa có rất nhiều cái lợi: 2 sản phẩm khoai môn và kiệu được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa là sản phẩm này được bảo hộ, tránh cạnh tranh nhãn hiệu, tăng uy tín khi tham gia xuất khẩu. Đồng thời, chứng minh chất lượng nông sản do mình sản xuất hoặc bán ra đạt tiêu chuẩn quy định, từ đó giá bán cao hơn, tăng tính cạnh tranh của mặt hàng nông sản trên thị trường cùng chủng loại.
Còn rất nhiều việc phải làm...
Tuy nhiên, theo Phòng Kinh tế huyện Lấp Vò, vấn đề lớn nhất sau khi được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa là việc phát huy nhãn hiệu này như thế nào để đạt hiệu quả đang còn là bài toán khó. Bởi từ trước đến nay, quá trình sản xuất, kinh doanh ở các địa phương trong tỉnh chủ yếu theo phương thức truyền thống. Vì vậy, việc sản xuất theo một tiêu chuẩn quy định cũng như liên kết sản xuất ở các vùng sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu chưa được thực hiện cũng gây khó khăn lớn cho việc phát huy hiệu quả nhãn hiệu hàng hóa.
Bà Phạm Thị Diễm Thúy - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An Hưng A cho biết, khó khăn lớn nhất của địa phương là vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm, bởi nông sản nói chung và khoai môn nói riêng đang tiêu thụ rất bấp bênh, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái. Lấy ví dụ, năm 2013 khoai môn có giá cao, ở mức 15.000 đồng/kg, thấy lãi nhiều nên người dân đổ xô trồng, lập tức năm 2014 diện tích trồng loại cây này đã lên 382ha, tăng hơn 100ha so với cùng kỳ. Cung vượt cầu dẫn đến giá khoai năm nay chỉ còn 9.000 đồng/kg, bằng ½ so với năm ngoái, người trồng khoai năm nay từ huề đến lỗ.
Hiện trên địa bàn xã có Công ty Đức Thành thu mua nông sản, tuy nhiên công ty thu mua số lượng không nhiều, không xuyên suốt nên hiện nay việc tiêu thụ các loại nông sản, đặc biệt là khoai môn trên địa bàn xã vẫn còn là nỗi trăn trở đối với người dân. Do vậy, sau khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, địa phương xác định phải thành lập Tổ hợp tác sản xuất ở những vùng có điều kiện thuận lợi để xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện tốt vấn đề này, địa phương cũng mong muốn được sự hỗ trợ của các ngành liên quan, nhất là các ban, ngành tỉnh đứng ra làm đầu mối mời gọi doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp địa phương.
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, đăng ký và được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa là một quá trình rất dài và khó khăn. Thế nhưng để phát huy hết hiệu quả của nhãn hiệu sau khi được công nhận thì còn nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng là phải thống nhất quy trình sản xuất của một tập thể theo đúng quy chế hoạt động và quy chế sử dụng nhãn hiệu. Bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành, các địa phương có sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cũng phải năng động trong công tác tuyên truyền cũng như tổ chức lại sản xuất để tạo ra những sản phẩm đồng nhất. Từ đó sẽ thu hút được doanh nghiệp bao tiêu.
Theo ông Hồ Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, để duy trì, quản lý và phát huy tốt nhãn hiệu này, huyện đang khẩn trương xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu của thị trường và đã có chỉ đạo đối với các đơn vị trực thuộc, tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản theo chuẩn quy định. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến người nông dân trong hợp tác và liên kết với nhau trong sản xuất, cùng sản xuất theo quy trình để tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, đảm bảo số lượng đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thảo Vy