“Huyện Thanh Bình tiếp tục thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”
Cập nhật ngày: 10/11/2021 17:29:20
ĐTO - Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tại buổi làm việc với huyện Thanh Bình vào sáng ngày 10/11 về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tình hình khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công trong 10 tháng đầu năm, phương hướng những tháng cuối năm 2021 .
Quang cảnh buổi làm việc
Theo UBND huyện Thanh Bình, về phân loại cấp độ dịch, huyện thuộc nguy cơ trung bình (cấp 2). Trong đó, cấp xã, nguy cơ trung bình (cấp 2) là 11/13 xã, thị trấn; nguy cơ cao (cấp 3) là 2 xã (An Phong, Tân Thạnh). Khóm/ấp, phân loại nguy cơ trung bình (cấp 2) là 50/55 khóm/ấp; nguy cơ cao (cấp 3) là 6 khóm, ấp. Hiện nay, toàn huyện đã tiêm hơn 134 ngàn liều vắc-xin phòng Covid-19; chi kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ với hơn 17 tỷ đồng.
Đến nay, toàn huyện Thanh Bình thu hoạch được gần 46.600ha diện tích lúa, đạt gần 91%, năng suất trung bình 6,5tấn/ha; diện tích còn lại 4.640ha, dự kiến thu hoạch dứt điểm cuối tháng 12/2021, ước sản lượng cả năm đạt 338.100 tấn, tăng trên 23.500 tấn so với kế hoạch đề ra. Huyện tập trung liên kết tiêu thụ nông sản với hơn 4.700ha (lúa 4.522ha, hoa màu 185ha); thực hiện các dự án nông nghiệp: VnSAT, ICRSL…
Tính đến tháng 10/2021, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương hơn 135 tỷ đồng, đạt 26,7% so với kế hoạch. Ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đến hết năm 2021 hơn 387 tỷ đồng, đạt 84,5% so với kế hoạch. Thu ngân sách, đến tháng 10/2021, tổng thu được hơn 115 tỷ đồng, đạt 70,6%; ước thực hiện cả năm đạt hơn 136 tỷ đồng, đạt gần 84%. Toàn huyện có tổng số 136 công trình, trong đó hoàn thành 60 công trình; 46 công trình đang thi công; 30 công trình đang đấu thầu và chuẩn bị khởi công.
Toàn huyện có trên 3.000 hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, đến nay có trên 2.900 hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đang hoạt động; có tổng số 18 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “4 tại chỗ” (8 doanh nghiệp) và phương án “một cung đường hai điểm đến” (10 doanh nghiệp) với tổng số trên 6.400 lao động.
Tính đến thời điểm hiện nay, huyện có 15/17 chợ, cửa hàng hoạt động (2 chợ Tân Hưng, xã Tân Huề và chợ An Phong, xã An Phong tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh dịch Covid-19, dự kiến, các chợ này sẽ mở lại vào cuối tháng 11/2021).
Đến nay, huyện thực hiện hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo hơn 14.430 người (với mức hỗ trợ 15kg gạo/1 người), với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng; hỗ trợ cho 826 người bán vé số dạo với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự năng động của huyện Thanh Bình trong quá trình vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời ghi nhận sự đồng thuận cao của Nhân dân cùng với chính quyền địa phương vượt qua khó khăn.
Trong thời gian tới, ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn lãnh đạo địa phương phải tiếp tục lan tỏa tư duy tích cực, ý chí vươn lên trong quá trình chỉ đạo điều hành; tích cực thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cấp ủy, chính quyền có sự thống nhất quan điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Huyện cần tập trung 3 vấn đề trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là tiếp tục nâng cao ý thức người dân trong mọi tình huống phòng, chống dịch; huy động hệ thống y tế cơ sở; tập trung bao phủ vắc-xin cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo địa phương cần rà soát nhiệm vụ trong năm 2021 nhằm chủ động thực hiện để đạt kết quả cao nhất. Trong đó, phải tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản cho địa phương; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng nông thôn mới; khôi phục sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các dự án đầu tư. Đồng thời quan tâm các phương án phát triển giáo dục, hỗ trợ lao động việc làm, an sinh xã hội…
KHÁNH PHAN