Sạ thưa, giảm phân thuốc để giảm chi phí sản xuất
Cập nhật ngày: 07/11/2021 05:58:13
ĐTO - Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) liên tục tăng khiến giá thành sản xuất bị đội lên. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, nếu nông dân chủ động các biện pháp kỹ thuật như giảm giống, phân bón, BVTV thì sẽ giảm được chi phí giá thành…
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần sạ thưa, sạ hàng để giảm lượng giống cũng như giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Ảnh: M.N
Giá đầu vào đồng loạt tăng mạnh
Theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường hiện giá nhiều loại phân bón ở mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, phân đạm Cà Mau và Phú Mỹ hiện có giá 820-850 ngàn đồng/bao (trọng lượng 50kg); phân DAP giá 980 ngàn đồng/bao (50kg); kali 780.000 đồng/bao... đa số đều tăng từ 10-23% so với cách đây 2 tháng. Ngoài ra, giá các loại thuốc BVTV cũng tăng từ 20-30%... Ông Trần Văn Chín ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười cho biết, ông đang xuống giống 2ha lúa đông xuân sớm nhưng năm nay phân thuốc, nhân công đều tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Giá phân thuốc bắt đầu tăng mạnh từ vụ thu đông 2021 đến nay, như phân ure hiện nay đã tăng lên 850 ngàn đồng/bao. Nếu tính sơ sơ, 1ha/vụ sử dụng 600-700kg phân (các loại), rồi thuốc BVTV, giá nhân công phun thuốc, công cắt, cấy... mà giá lúa từ 5.000-5.500 đồng/kg thì vụ đông xuân năm nay ông chỉ huề vốn hoặc lỗ.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, vụ đông xuân 2021-2022, nhu cầu lúa giống là 37,7 ngàn tấn; 133 ngàn tấn phân bón và gần 2,1 ngàn tấn thuốc BVTV. Tuy nhiên, hiện giá vật tư đầu vào, đặc biệt là giá phân bón tăng mạnh khiến người nông dân, hợp tác xã (HTX) gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò) chia sẻ, khoảng 2 vụ lúa trở lại đây giá lúa thấp hơn nhiều so với mọi năm vì thị trường tiêu thụ chậm, nhất là xuất khẩu khó khăn do dịch Covid-19. Hiện nay, mỗi vụ HTX sử dụng trên 500 tấn phân, đây là một con số khá lớn cho nên trong tình hình này, giá phân bón, thuốc BVTV đều tăng cao càng chồng chất thêm gánh nặng cho nông dân. “Ở góc độ nông dân, chúng tôi chỉ sử dụng phân đơn để giảm chi phí sản xuất. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh vật tư nông nghiệp để tránh phân, thuốc giả làm thiệt hại thêm cho nông dân” – ông Đời nói.
Sạ thưa, giảm phân thuốc sẽ giảm chi phí sản xuất
Chi phí tăng cao cũng là bài toán khó cho nông dân khi bước vào vụ sản xuất mới. Theo các nhà chuyên môn, nếu nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm lượng giống, phân bón để thay bằng các loại phân hữu cơ và làm đất kỹ để tiết kiệm chi phí thì có thể giảm được chi phí sản xuất mùa vụ. Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện có trên 40% diện tích trong toàn tỉnh nông dân gieo sạ từ 100-150kg giống/ha, chỉ có khoảng 10-15% diện tích giảm được lượng giống 80- 100kg/ha. Trong khi đó, lượng giống nhiều thì nhu cầu sử dụng phân bón càng lớn vì vậy chi phí càng gia tăng. Chính vì vậy, nông dân, HTX cần chủ động thay đổi cách làm như sạ thưa, áp dụng các biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong sản xuất thì giảm được 30-40% chi phí cũng góp phần giảm chi phí sản xuất.
“Trước đây, bà con sử dụng phân bón vô cơ nhiều bởi tính tiện lợi của nó, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay rõ ràng sự tiện lợi lại trở thành bất lợi thấy rõ. Thị trường hiện nay chưa thể đoán định được sẽ diễn biến thế nào, nhất là tình hình dịch Covid-19 một số nước còn diễn biến phức tạp và việc thiếu nguyên liệu, giá vận chuyển, giá đầu vào tăng cao vẫn có thể sẽ xảy ra. Vấn đề hiện nay là nông dân phải tự phản ứng, chủ động trong sản xuất để giảm sự phụ thuộc vào phân vô cơ bằng việc giảm giống gieo sạ, áp dụng “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”... để tự giảm chi phí sản xuất cho mình trước tiên”, ông Đạt nhấn mạnh.
Ông Lưu Văn Tiến – Phó Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết, qua tình hình phân bón tăng giá như hiện nay, là điều kiện để tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển hình thức sản xuất từ sử dụng phân vô cơ sang phân hữu cơ. Tuy nhiên, tập quán sản xuất của nông dân không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được. Do đó để làm được chuyện này cần có chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất lúa hữu cơ. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp bằng cách doanh nghiệp đặt hàng cho nông dân, nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, doanh nghiệp phải mua cao hơn giá lúa thường 200-300 đồng/kg, nhằm khuyến khích cho bà con sản xuất theo hướng hữu cơ.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, hiện Sở đã có kiến nghị lên Bộ NN&PTNT, cũng như tham mưu UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị lên Chính phủ về việc đưa phân bón, thuốc BVTV vào nhóm sản phẩm bình ổn giá nhằm kiềm chế sự tăng giá sản phẩm trong thời gian tới. Ngành nông nghiệp cũng đã yêu cầu các ngành liên quan có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh nhằm tránh tình trạng tự tăng giá hoặc buôn bán sản phẩm giả, kém chất lượng. Về định hướng lâu dài, ông Đạt cho biết, tỉnh đang hướng tới quy hoạch mã vùng trồng cho tất cả sản phẩm lúa, hoa màu, cây ăn trái... Chỉ khi hoàn chỉnh chuỗi nông sản này thì việc mua chung bán chung, giảm trung gian sẽ giảm được chi phí phân bón, thuốc BVTV, cũng như liên kết ổn định đầu ra. Để thực hiện được điều này, ngay từ bây giờ, các HTX, doanh nghiệp phải hợp tác với nhau bằng cái tâm để tạo ra một chuỗi sản xuất tốt. Như vậy câu chuyện giảm giá thành sản xuất không còn là khó khăn đối với nông dân, cũng như doanh nghiệp thu được sản phẩm chất lượng.
|
MN