“Mới mẻ trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”

Cập nhật ngày: 05/01/2017 06:57:24

ĐTO - Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,38%. Năm 2017, tỉnh định hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,5% với phương châm “Mới mẻ trong cách nghĩ, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp”.


Hình ảnh du lịch Đồng Tháp đang được định vị với dấu ấn và màu sắc riêng

Một năm với nhiều kết quả ấn tượng

Năm qua, với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức lại sản xuất, gắn kết với thị trường tiêu thụ, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, giảm giá thành.... góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức 3,33%, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổng giá trị sản xuất mặt hàng lúa năm 2016 đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 0,34% so với năm 2015.

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương trồng lúa triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giúp nông dân giảm giá thành sản xuất lúa từ 300 - 600 đồng/kg. Nhiều nông dân sáng tạo đã xây dựng mô hình sản xuất lúa đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị hạt gạo. Đơn cử như mô hình lúa hữu cơ của nông dân Võ Văn Tiếng (xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự). Trước những bước đi đúng đắn, Tiếng mở rộng diện tích canh tác, chủ động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Gạo An Toàn Tâm Việt”. Chuẩn bị cho “cuộc chơi lớn”, Tiếng đã thành lập Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Tâm Việt và lên kế hoạch mở rộng diện tích canh tác khoảng 40-50ha.

Năm qua, cây ăn trái tỉnh nhà có những bước tiến lớn. Xoài Đồng Tháp đã có mặt tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Úc... góp phần đưa giá trị sản xuất ngành hàng xoài năm 2016 tăng 23% so với năm 2015. Riêng mô hình “Cây xoài nhà tôi” (huyện Cao Lãnh) bước đầu thu hút được sự quan tâm của xã hội, hình thành một dạng liên kết mới trong sản xuất. Ngoài ra, các sản phẩm chanh, ổi còn bước vào hệ thống siêu thị của Tập đoàn Vingroup.

Ngoài nghề nuôi cá tra thế mạnh thì ngành hàng vịt của tỉnh đang phát triển vượt bậc khi người nông dân nuôi vịt biết thay đổi tập quán sản xuất, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra, giúp sản phẩm ổn định giá bán cao hơn thị trường từ 300 đồng/trứng vịt.

Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: chiết xuất tinh dầu cám gạo; chiết xuất tinh chất từ cây sen để sản xuất thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm... Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2016 tăng 6,39% so với cùng kỳ.

Sau nhiều năm đầu tư cho “ngành công nghiệp không khói”, hình ảnh du lịch Đồng Tháp đang được định vị với dấu ấn và màu sắc riêng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trong năm qua, tỉnh thu hút được 2,5 triệu lượt khách (có 60.000 lượt khách quốc tế) đến tham quan du lịch, tăng 10% so với năm 2015. Doanh thu du lịch đạt 480 tỷ đồng, vượt 6,66% kế hoạch năm, tăng 8% so với năm 2015.

Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp luôn xem doanh nghiệp là bạn đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Từ đây, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, “chủ động” gỡ khó cho doanh nghiệp. Theo thống kê của tỉnh, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 là 418 doanh nghiệp, tăng khoảng 5,3% so cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký 2.500 tỷ đồng. Không chỉ vậy, tỉnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong mọi tầng lớp, vươn lên làm giàu chính đáng. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện khởi nghiệp và tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2016 (do BSA tổ chức), tỉnh có 5 dự án đạt giải. “Mô hình trồng lúa sạch của Nông trại Tâm Việt” đạt giải Nhất tại cuộc thi.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Tại cuộc họp trực tuyến tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 với các địa phương trong tỉnh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhưng có lẽ mỗi chúng ta vẫn chưa hài lòng với một số chỉ tiêu, phần việc mà lẽ ra có thể đạt cao hơn. Tôi đề nghị thủ trưởng các đơn vị, địa phương tập trung suy nghĩ, đề xuất giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với quyết tâm cao nhất ngay từ đầu năm”.

Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã giúp nông thôn tỉnh nhà có sự thay đổi rõ rệt, sản xuất từng bước gắn với thị trường. Để đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương cần tìm ra lợi thế, tiềm năng sẵn có của mình để đột phá. Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, cần phân công nhiệm vụ rõ ràng đâu là việc Nhà nước làm, việc gì do người dân thực hiện, doanh nghiệp sẽ tham gia như thế nào, vấn đề nào do thị trường điều tiết. Ông Nguyễn Văn Công cũng đề xuất UBND tỉnh mạnh dạn giao quyền để các ngành không chỉ tham mưu mà còn có khả năng tự chủ, có thể đề ra kế hoạch, triển khai thực hiện, tự chịu trách nhiệm lĩnh vực mình phụ trách.


Gạo Cỏ May chinh phục cả thị trường nước ngoài

Theo Sở Công Thương, để việc thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả cao, trước tiên phải tổ chức sản xuất theo yêu cầu thị trường. Theo đó, phải nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX). Ngoài ra, việc duy trì và phát triển nhãn hiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm đơn vị là việc làm hết sức cần thiết. Sở Công Thương đang nghiên cứu thành lập đơn vị đầu mối thu gom rau củ quả của các HTX, doanh nghiệp cho hệ thống siêu thị trên địa bàn, giúp nông dân tiếp cận với hệ thống phân phối hiện đại hơn đồng thời đẩy mạnh thiết lập kênh tiêu thụ hàng hóa với nhiều hình thức liên kết đa dạng, bền vững...

Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, năm qua công tác kêu gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp có nhiều điểm nổi bật, nhưng chất lượng và hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư còn thấp; thông tin về xúc tiến đầu tư còn chậm, chưa kịp thời; môi trường đầu tư chưa hấp dẫn. Kỳ vọng vào năm 2017 với những thành công mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sẽ đảm nhận vai trò chủ trì cùng các ngành, địa phương có định hướng trong công tác kêu gọi đầu tư. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh các chính sách cụ thể để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Ông Trương Hòa Châu nhấn mạnh, để tạo sức hút trong công tác xúc tiến đầu tư, các ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt công tác tạo dựng hình ảnh địa phương.

Cũng tại hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của tỉnh, nhiều địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp cho rằng, để sản xuất nông nghiệp phát triển cần đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác. Trong đó, chính quyền sở tại là cầu nối giữa HTX và doanh nghiệp. Theo đó, địa phương vừa “giám sát” quy trình sản xuất thực hiện đảm bảo theo hợp đồng cho doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao thu nhập.

Để đạt kết quả như kỳ vọng mà tỉnh đặt ra trong năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương chỉ đạo, các địa phương cần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân thông qua công tác tuyên truyền, xây dựng áp dụng mô hình, phương thức canh tác mới, hiệu quả. Đồng thời, hướng dẫn người dân hợp tác với nhau, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cả hệ thống chính trị tạo lập môi trường khởi nghiệp đến với người dân, sinh viên có khát vọng làm giàu chính đáng; tiếp tục quan tâm, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn