Nông dân thời hội nhập
Cập nhật ngày: 03/01/2017 06:54:22
ĐTO - Điểm đáng chú ý trong hội nghị trực tuyến tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua chính là sự hiện diện của nông dân Võ Văn Tiếng, thay vì trước đây, hội nghị chỉ có thủ trưởng các sở, ngành và lãnh đạo địa phương tham dự, bàn bạc những định hướng của tỉnh.
Nông dân Võ Văn Tiếng tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 của tỉnh
Nông dân tham gia hội nghị cấp tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương cho rằng, sự hiện diện của Võ Văn Tiếng (ấp Thượng 1, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) tại hội nghị là sự biểu dương tấm gương tiên phong, sáng tạo xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự có mặt của Tiếng cũng nhằm mục đích thúc đẩy các địa phương, bà con nông dân trong tỉnh thực hiện sản xuất nông sản sạch, chất lượng cao theo tinh thần Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Tại cuộc họp, Võ Văn Tiếng chia sẻ về mô hình lúa hữu cơ của mình. Hướng đi của Tiếng được xem là nhân tố giúp cho ngành hàng lúa gạo của tỉnh thêm sức bật, vì vậy mà Tiếng đã tạo sức hút đối với các đại biểu tại hội nghị.
Mô hình gạo hữu cơ của Tiếng không sử dụng phân thuốc hóa học, mà chỉ trồng cỏ làm hàng rào, dụ thiên địch, ngăn sâu bệnh, kết hợp với chăn nuôi tạo một vòng tuần hoàn khép kín trong canh tác. Từ vụ đầu tiên với diện tích thử nghiệm 2ha, đến nay Tiếng mở rộng đến 10ha và chủ động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Gạo An Toàn Tâm Việt”. Sản phẩm này cũng được Công ty TNHH Cỏ May hỗ trợ đóng gói theo tiêu chuẩn HACCP. Trước sự thành công của mô hình, Tiếng đã thành lập Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Tâm Việt và chuẩn bị cho “cuộc chơi lớn” với diện tích canh tác dự kiến từ 40 - 50ha.
Ngoài chia sẻ về mô hình, Võ Văn Tiếng không “màu mè” mở lời đề nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét hỗ trợ giới thiệu quảng bá thương hiệu sản phẩm “Gạo An Toàn Tâm Việt”. Đồng thời, Tiếng cũng mong các ngành, địa phương vận động các hộ dân có đất lân cận cho thuê để mở rộng mô hình...
Nông dân phải biết thức thời, nắm bắt cơ hội
“Tại sao Đồng Tháp là vựa lúa lớn của nước và xuất khẩu gạo nhiều như vậy nhưng bà con ít có gạo sạch sử dụng. Và người nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo?”. Cách chia sẻ mô hình sản xuất một cách mộc mạc của Tiếng lại ẩn chứa tầm nhìn biết nắm bắt cơ hội lập nghiệp để cho ra đời sản phẩm gạo sạch Tâm Việt.
Khi gạo sạch của Tiếng “chào sân” đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng khiến họ không ngần ngại mở hầu bao mua sản phẩm. Không chỉ vậy, khách hàng còn ngầm cảm ơn Tiếng, bởi anh đã “gãi đúng chỗ ngứa” của họ. Nhiều chuyên gia kinh tế có cùng quan điểm, trong bước đường khởi nghiệp, vốn hoạt động không phải là yếu tố tiên quyết mà nắm bắt cơ hội mới là nhân tố quan trọng nhất.
Bằng những kết quả đạt được, Võ Văn Tiếng một lần nữa chứng minh với bà con nông dân rằng sản xuất theo kiểu truyền thống đã không còn phù hợp. Sản lượng không phải là thước đo thành tích trong sản xuất mà thu nhập mới là nhân tố giúp nông dân thay đổi cuộc sống của mình. Nông dân sẽ nhàn hơn, bán được giá cao khi sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mô hình gạo hữu cơ của Tiếng năng suất chỉ đạt tương đối (trên 4-5 tấn/ha) nhưng bù lại lợi nhuận bằng và cao hơn phương pháp canh tác lúa truyền thống. Đơn cử, mỗi hecta lúa hữu cơ Tiếng thu lãi ngót nghét khoảng 20 triệu đồng, chưa tính đến nguồn thu từ hoa màu, cá, trứng, vịt sạch từ mô hình. Trong khi, nông dân làm theo cách cũ với năng suất thu hoạch rất cao trên 6 tấn/ha nhưng chi phí lại quá lớn vì lạm dụng phân thuốc hóa học, thuê nhiều công lao động. Không chỉ vậy, phương pháp sản xuất cũ là tác nhân mất cân bằng sinh thái trong khi lợi nhuận thu về bằng hoặc thấp hơn, dao động từ 16-20 triệu đồng/ha.
Có thể thời gian đầu, nhiều nông dân cho rằng Tiếng “điên” khi bắt đầu một hành trình lạ lẫm nhưng bà con trồng lúa hiện bắt đầu học “chất điên” này để làm mới mình, nắm bắt cơ hội, thay đổi sản xuất theo nhu cầu thị trường nhằm nâng cao thu nhập.
KHÁNH DUY