Cơn “mê” đa cấp

Cập nhật ngày: 28/12/2016 15:59:25

Kỳ II: Hiệu ứng “lây lan”

ĐTO - Sau thời gian chen chúc xếp hàng nơi vỉa hè, nhiều người không đến các điểm để nằm máy, nằm giường, nằm thảm, mát xa chân mà mua sản phẩm mang về nhà sử dụng với niềm tin sẽ bớt, hoặc khỏi bệnh. Những phần thưởng, quà tặng, hoa hồng mà người mua có được từ việc lôi kéo, rủ rê những người bạn, người thân của mình tạo nên một hiệu ứng “lây lan”, và chính từ đây, người tiêu dùng bị mất tiền một cách “ngoạn mục”!

Bài liên quan: Kỳ I: Đủ loại chiêu trò


Chiếc băng đô cài tóc có giá 4 triệu đồng dùng để trị nhức đầu

Mất tiền “ngoạn mục”

Cách đây khoảng 1 năm, một anh bạn gọi điện nhờ tôi làm một việc là khuyên dùm mẹ anh đừng mua chiếc giường nằm của 1 công ty có giá 60 triệu đồng. Vì với gia đình anh, đây là số tiền lớn, anh và mọi người khuyên giải nếu nằm giường, nằm máy hết bệnh thì không ai đến bệnh viện làm chi. Nhưng lời khuyên không có tác dụng, anh và những người thân phải hùn tiền lại mua khi nghe mẹ nói: “Mẹ già rồi, bệnh, chỉ ao ước có chiếc giường nằm trị bệnh...”. Vậy là anh dùng tiền tích cóp tức tốc mua cái giường trị giá 60 triệu đồng đem về nhà. Chiếc giường cỡ 1x2m, phía trên có những hạt màu đen. Sau 12 tháng nằm giường, bệnh khớp, tiểu đường, huyết áp của mẹ anh vẫn y như cũ.

Sau nhiều lần đi nằm giường, nghe bạn bè giới thiệu, dì Tư Sương ngụ phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh cũng ham thích và sắm chiếc giường 79 triệu đồng. Dì Tư nói: “Mua giường về để đó, nằm thư giãn, sẵn cho người ta mướn nằm luôn...”. Mỗi một lần nằm, người nằm giường trả từ 10.000 -15.000 đồng. Sau 12 tháng cho mướn, dì vẫn chưa thể lấy lại được phần tiền vốn bỏ ra.

Theo chân một người bạn, tôi đến nhà dì Hương ở phường 3, TP.Cao Lãnh. Gia đình dì Hương không khá giả, nhưng cách đây vài tháng dì mua một tấm drap giường, 1 áo gối và 2 chiếc băng đô cài tóc có giá gần 40 triệu đồng. Mở cửa phòng, dì dẫn tôi vào trong và chỉ tấm drap có giá 25 triệu đồng. Tấm drap có thêu hoa văn, được làm bằng sợi vải thô, màu vàng pha lẫn sợi xanh, rộng khoảng 1,8m, dài 2m, mỏng. Dì Hương kể: “Tấm drap này nằm êm lắm con! Khi con đau mình, khó chịu lên nằm sẽ rất khỏe?! Lúc đầu, dì cũng không muốn mua, nhưng con gái dì ban đầu chỉ tính đi đến đó cho biết, đi vài lần người ta tặng đường, bột ngọt, dầu ăn, lần nào cũng có quà mang về, vậy là cuối cùng mua luôn tấm drap này mang về. Khi mang về xài, nếu giới thiệu người nào vào mua, công ty sẽ trả tiền lại cho con gái dì, có khi vài triệu đồng, hoặc ưu đãi khi mua món đồ khác. Con gái dì cũng giới thiệu cho vài người bạn tham gia, người ta cũng mua drap và gối về nằm với giá vài chục triệu đồng. Còn cái băng đô này dùng để trị nhức đầu, có giá 4 triệu đồng..”. Dì mang ra cho tôi xem cái băng đô 4 triệu đồng, nhìn bề ngoài là 1 miếng vải cũng màu vàng xanh y như tấm drap và áo gối, phía sau có 1 sợi dây thun. Tôi mang thử băng đô cài tóc khoảng 10 phút, cảm giác cũng bình thường y như lúc ban đầu, không giống như lời dì Hương nói là trị nhức đầu, đau đầu, huyết áp rất hay.

Như một cơn mê, nhiều người không tiếc tiền để chi cho những món hàng xa xỉ này. Nhiều người trung niên, cao tuổi tiết kiệm chi tiêu, không dám ăn, không dám mặc nhưng bỏ tiền mua giường, mua gối, mua drap giường hàng chục triệu đồng theo lời hướng dẫn, giới thiệu của bạn bè. Chỉ cần dẫn một người bạn đi theo mình đến công ty, hoặc tham dự chương trình, người dẫn sẽ có được những ưu tiên như: được nằm giường loại tốt, được ngồi ghế ngọc miễn phí, được nhận quà, thậm chí còn được nhận tiền do công ty phát hành để mua những vật dụng khác hay được trả lại một phần tiền nếu giới thiệu cho người khác mua máy nằm giường, drap, áo gối, xâu chuỗi đeo tay, sợi dây chuyền, viên ngọc đá... tùy theo giá trị thực của món hàng.

Thủ đoạn tinh vi

Thủ đoạn tinh vi của kiểu bán hàng này của công ty là thường tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn cộng tác viên, giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng hoặc trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng. Hàng hóa kinh doanh đa cấp là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, kim khí điện máy, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... Mở rộng mạng lưới chân rết, thu “siêu” lợi nhuận, nhân viên kinh doanh thường xuyên xuống các vùng nông thôn, tiếp cận người dân để quảng bá sản phẩm, phô trương các tính năng; tổ chức cho người dân dùng thử sản phẩm để tập trung đông người, mời mua sản phẩm, ai giới thiệu người khác tham gia sẽ được giảm giá khi mua sản phẩm, được hưởng thêm hoa hồng, kết hợp với trao thưởng; lấy thông tin cá nhân người tham gia hội thảo, sau đó phân công người tiếp cận, lôi kéo tham gia, đánh vào tâm lý hám lợi.


Tấm drap giường trị giá 25 triệu đồng được người dân mua về sử dụng

Những món lợi hấp dẫn trở thành động lực để người tham gia lôi kéo, rủ rê người khác. Chính vì lý do này mà người bán hàng đa cấp đủ mọi thành phần có thể là nông dân, công nhân, viên chức nghỉ hưu tham gia vào đầu mối này. Ở góc độ pháp lý, các công ty này đa phần ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh thông báo hoạt động bán hàng đa cấp cho Sở Công Thương. Đôi khi, doanh nghiệp không thông báo về hoạt động bán đa cấp nhưng vẫn hoạt động kinh doanh đa cấp, khi đi vào hoạt động, đa phần sử dụng pháp nhân của công ty mẹ để quan hệ với khách hàng, ký kết các hợp đồng bán hàng đa cấp. Khi Sở Công Thương yêu cầu trao đổi các thông tin liên quan thì các chi nhánh tạo nhiều lý do không cung cấp, trao đổi thông tin, hoặc chỉ photo gửi các tài liệu tự soạn thảo không có giá trị pháp lý. Tại một số cơ sở đang kinh doanh loại hình này ở Đồng Tháp, trong văn phòng đều có nhiều thông tin nhằm mục đích tạo lòng tin đối với người tiêu dùng về hoạt động bán hàng của công ty.

Người bán hàng thường là người địa phương để dễ quan hệ với khách hàng, thu tiền, mời tham gia hội thảo. Những người này được trả lương bằng hình thức hoa hồng, tỷ lệ phần trăm doanh thu bán hàng. Hợp đồng bán hàng đa cấp thường là hợp đồng miệng, văn bản, rất nhiều nội dung làm cho người tham gia nhầm tưởng mình đang tham gia thực hiện bán hàng cho các công ty để được hưởng nhiều quyền lợi về hoa hồng, cách thu hồi vốn đầu tư nhưng thực chất không có tham gia hoạt động bán hàng, huy động vốn của khách hàng. Một người khi tham gia mạng lưới phải mua, hoặc sẽ mua một gói sản phẩm hay 1 dịch vụ của công ty theo mức giá khác nhau, sau đó giới thiệu thêm người để được thăng cấp trong hệ thống, nhận thưởng, hoa hồng theo chính sách của công ty. Cụ thể đối với một vài công ty, nếu ai tham gia sẽ mua 1 gói sản phẩm từ 8 triệu đồng đến gần 10 triệu đồng, nếu giới thiệu được những người khác tham gia thì sẽ được lên chức và được nhận hoa hồng. Với gói sản phẩm 16 triệu đồng, nếu giới thiệu được thêm 3 người tham gia, số tiền hoa hồng người giới thiệu nhận được từ 1,1 triệu đồng đến 1,4 triệu đồng. Đối với sản phẩm gạo của Công ty C.M.T.P., người tham gia sẽ có tiền hoa hồng, có thành tích, có lương, thưởng, quà tặng là xe hơi trị giá hàng trăm triệu đồng...; mua 15 triệu đồng gạo để ăn từ 30 ngày đến 90 ngày được tặng 1 ID kinh doanh; đối với những người làm đại lý mua 1 tấn gạo được tặng 3 ID kinh doanh và nhận được 1 triệu đồng tiền thưởng từ nhà phân phối. Số tiền được tặng từ nhà phân phối sẽ tăng lên nếu mua nhiều sản phẩm từ công ty, mức thưởng có thể từ 600 triệu đồng cho đến 13 tỷ đồng. Theo cơ quan chức năng, trên thực tế việc kinh doanh, mua bán chỉ trên giấy tờ, không có hàng hóa lưu thông ra thị trường.

C.Ph.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn