Hướng đi bền vững cho làng bột Sa Đéc thời hội nhập
Cập nhật ngày: 29/12/2016 06:43:20
Bài 1: Làng bột Sa Đéc nhìn từ góc độ cơ chế thị trường
ĐTO - Với chất lượng và hương vị đặc trưng, hơn trăm năm qua, bột gạo Sa Đéc trở thành thương hiệu thân quen đối với hàng triệu người tiêu dùng trên khắp cả nước. Trước ngưỡng cửa hội nhập, sản phẩm bột gạo truyền thống của Sa Đéc đang đối mặt với nhiều thách thức mới.
Bánh hủ tiếu vừa mới ra lò
Nội lực của làng bột trăm tuổi
Là một trong những làng nghề có bề dày lịch sử lâu đời ở TP.Sa Đéc, làng nghề sản xuất bột gạo không những có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của địa phương mà còn làm nên nét văn hóa ẩm thực rất riêng cho cư dân Nam bộ. Bằng kinh nghiệm và bí quyết sản xuất đặc biệt, không hề có sự can thiệp của chất bảo quản hay hóa chất dù là sản phẩm bột gạo thuần túy hay bánh phở, hủ tiếu... Ưu điểm nổi bật là tất cả sản phẩm đều trắng tinh, sóng sánh, hương vị đậm đà, dai ngon không lẫn vào đâu được.
Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến cho các sản phẩm của làng bột sớm được người tiêu dùng biết tới, là thương hiệu luôn được tin dùng trong nhiều thập kỷ qua như: bột gạo Sa Đéc, hủ tiếu Sa Đéc, bột gạo lứt Bích Chi, hủ tiếu Mỹ Ngọc, hủ tiếu Bà Xẩm... Ngoài ra, làng bột còn là cái nôi, sản sinh ra những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sau bột như: Bích Chi, Sa Giang, Hòa Hưng...
Với hơn 400 hộ, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm sau gạo, trung bình mỗi năm, TP.Sa Đéc cung cấp cho thị trường khoảng 15 ngàn tấn bột gạo thành phẩm các loại. Đây cũng là một trong những lợi thế và là nền tảng vững chắc để tỉnh Đồng Tháp triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Với sự đa dạng trong cách chế biến, các sản phẩm sau gạo đã được nhiều cơ sở, doanh nghiệp địa phương cho ra đời nhiều loại sản phẩm mới như: bún, bánh phở tươi, hủ tiếu truyền thống tiêu thụ nội địa đến các sản phẩm được chế biến chuyên nghiệp xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: bún, phở, hủ tiếu ăn liền...
Thay đổi để phát triển
Mặc dù luôn được đánh giá cao từ thị trường, song trong giai đoạn hiện nay, ngành nghề làm bột gạo truyền thống ở TP.Sa Đéc đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn mới. Đó là vấn đề sản phẩm phải sản xuất đồng nhất về chất lượng, đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thành sản xuất cạnh tranh...
Cách đây vài chục năm, mô hình làm bột gạo kết hợp với nuôi heo sau vườn (tận dụng nguồn phụ phẩm từ sản xuất bột để nuôi heo) mang lại nhiều thuận lợi cho người dân làng bột. Tuy nhiên với thời điểm hiện tại, giải pháp này không mang tính cạnh tranh về kinh tế. Bởi sau khi thực hiện hạch toán kinh tế thì việc chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, tận dụng nguồn phụ phẩm từ sản xuất bột, giá thành một con heo sản xuất tại làng bột Sa Đéc không thấp hơn sản xuất tại các trang trại chăn nuôi lớn. Chưa kể đến do được cho ăn bằng bột gạo nên tỷ lệ mỡ trong heo khá nhiều, đây cũng là nguyên nhân khiến heo nuôi ở đây có giá thấp hơn từ 200 - 250 ngàn đồng/tạ so với các trang trại chăn nuôi lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Nương - chủ cơ sở sản xuất bột Tư Nương, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc: “Hiện giá heo được thương lái mua tại TP.Sa Đéc chỉ còn khoảng 3,7 triệu đồng/tạ, trong khi đó giá thành sản xuất một tạ heo tại đây dao động từ 3,5 - 3,7 triệu đồng/tạ. Còn giá bột tươi thành phẩm hiện tại chỉ khoảng 7.000 - 7.500 đồng/kg, trong khi giá tấm nguyên liệu đã lên tới 8.300 đồng/kg. Sở dĩ người dân làng bột vẫn còn cầm cự được là nhờ sản xuất heo thịt kết hợp với nuôi heo sinh sản, người nuôi thu được lãi là lãi phần heo giống chứ với giá heo thịt và bột hiện nay thì không mấy khả quan”.
Máy móc, công nghệ hiện đại giúp sản phẩm bột gạo truyền thống của làng nghề nâng cao chất lượng
Bên cạnh đó, trước sự tăng tốc phát triển của đô thị hiện nay, mô hình sản xuất bột kết hợp với chăn nuôi của làng nghề dường như không còn phù hợp, bởi các chất thải trong chăn nuôi tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh. Các hộ sản xuất bột cần chuyển đổi sang hình thức sản xuất mới, phù hợp và hiệu quả hơn. Hiện nay, làng nghề có hơn 400 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh bột, tuy nhiên chưa tới ½ số hộ liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến lớn. Một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện liên kết khó khăn là sản phẩm bột gạo của các hộ sản xuất chưa đáp ứng các yêu cầu gắt gao của doanh nghiệp. Do thiếu máy móc thiết bị tiên tiến nên sản phẩm bột gạo làm ra không đồng nhất về chất lượng. Từ đó, sản phẩm bột gạo của hầu hết bà con làng nghề tiêu thụ ở thị trường nội địa là chính. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bột gạo tươi được bán ra tại các hộ sản xuất truyền thống chỉ dao động ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, những cơ sở đầu tư máy móc hiện đại, sản xuất theo quy trình khép kín thì giá bột tươi được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Đây là một trong những giải pháp giúp nâng cao giá trị sản phẩm bột gạo, đồng thời cũng là hướng mở giúp các cơ sở sản xuất chủ động hơn ở thị trường tiêu thụ.
Thời gian qua, để giúp các chủ cơ sở sản xuất bột ở làng nghề có điều kiện tiếp cận với các thiết bị công nghệ mới, giúp sản xuất bột hiệu quả hơn, Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn Phát triển công nghiệp đã phối hợp với TP.Sa Đéc hỗ trợ 8 hộ chuyển đổi máy móc sản xuất. Sau khi được đầu tư công nghệ sản xuất mới, một số cơ sở đã được doanh nghiệp Sa Giang và Bích Chi bao tiêu sản phẩm. Từ việc làm ăn với doanh nghiệp lớn, các cơ sở đã chủ động thay đổi một số kỹ thuật sản xuất không còn phù hợp, từng bước phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Có thể cách làm bột gạo truyền thống trước đây đã tạo nên uy tín của làng bột Sa Đéc như hiện nay, nhưng hiện tại với yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của người tiêu dùng, làng bột Sa Đéc cần nghiên cứu một hướng đi mới. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, làng nghề cần năng động hơn, mạnh dạn thay đổi những cách làm không còn phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Minh Nhật