Hướng đi bền vững cho làng bột Sa Đéc thời hội nhập
Cập nhật ngày: 31/12/2016 06:32:27
ĐTO - Hội nhập là thách thức nhưng cũng là cơ hội để làng bột Sa Đéc khẳng định mình. Vấn đề là phải xây dựng được một chiến lược phát triển dài hơi.
Nhiều sản phẩm chế biến sau bột đang mang lại giá trị kinh tế cao cho doanh nghiệp
Bột gạo - sản phẩm sau bột, lực đẩy cho ngành hàng lúa gạo
Mặc dù tình hình xuất khẩu gạo vài năm trở lại đây trở nên khó khăn, nhưng các sản phẩm chế biến từ bột gạo như: hủ tiếu, bánh phở, bún... đang mang lại doanh thu ổn định cho các doanh nghiệp chế biến.
Ông Trang Sĩ Đức - Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi cho biết, những năm qua, tổng doanh thu của công ty luôn giữ mức tăng trưởng tốt, mức tăng trung bình 15%/năm. Ngoài giữ vững doanh số ở các thị trường xuất khẩu như: Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, các nước ASEAN, Bích Chi luôn chủ động phát triển thị trường mới và khai thác tốt thị trường trong nước. Với Bích Chi, thị trường đối với các sản phẩm chế biến sau bột hiện nay vẫn còn rất tốt, Bích Chi sẵn sàng đồng hành cùng bà con làng bột trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, địa phương cần xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng bột, xây dựng một quy trình sản xuất chuẩn, đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, trung bình một tấn bột xuất khẩu giá khoảng 14 triệu đồng, so với giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm là gần 8 triệu đồng/tấn, rõ ràng sản phẩm gạo qua chế biến xuất khẩu đã cao gần gấp đôi so với gạo xuất khẩu. Còn sản phẩm chế biến được sản xuất từ bột gạo xuất khẩu mang lại giá trị cao gấp nhiều lần so với gạo. Hiện tại, các sản phẩm như: bánh phở, hủ tiếu ăn liền, doanh nghiệp xuất khoảng 45.000 đồng/kg. Trong khi thị trường gạo thô xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn thì đối với các sản phẩm chế biến từ bột gạo vẫn còn rộng mở.
Theo ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, tiềm năng của chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo của Đồng Tháp vẫn còn rất lớn. Giá trị tăng thêm cho người nông dân không chỉ dừng lại ở sản phẩm bột gạo hay các sản phẩm chế biến từ bột gạo mà nó còn là những sản phẩm chế biến sâu hơn, giá trị nhiều hơn như tinh bột gạo, tinh dầu cám...
Rõ ràng việc đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu đang mang lại nhiều giá trị cho ngành hàng lúa gạo. Đây là cơ hội để Đồng Tháp phát huy hiệu quả tiềm năng của ngành hàng lúa gạo của địa phương.
Cần một cú hích cho làng bột gạo Sa Đéc
Lợi thế chỉ phát huy hiệu quả khi làng nghề đã thật sự sẵn sàng đón nhận. Việc cần làm và bắt buộc phải làm hiện nay là địa phương phải xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài có sự tham gia nhiệt tình của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và sự đồng hành của địa phương trong việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất bột.
Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm sau bột ở TP.Sa Đéc, để ngành hàng bột phát triển bền vững, tỉnh Đồng Tháp nên xây dựng những vùng nguyên liệu sản xuất gạo được kiểm soát chất lượng đầu vào một cách bài bản và chặt chẽ. Yếu tố chất lượng đầu vào được xem là khâu then chốt quyết định sự thành công của các sản phẩm sau gạo và sau bột. Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng thương hiệu gạo Sa Đéc vươn tầm ra thế giới, rất cần một đội ngũ chuyên nghiệp nhằm giúp đỡ các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thị trường. Bởi hiện nay, việc cạnh tranh không lành mạnh và những rủi ro ở các thị trường nhập khẩu là rất lớn. Nếu không có sự am hiểu chắc chắn thì doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều rủi ro và dễ thất bại hơn.
Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi và Công ty xuất nhập khẩu Sa Giang đều cho rằng, giải pháp để làng bột Sa Đéc phát triển khả thi nhất trong giai đoạn hiện nay là thành lập tổ chức hợp tác xã. Từ hợp tác xã này, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ sẽ được hướng dẫn sản xuất theo một quy trình, từ đó tạo được nguồn sản phẩm lớn, đồng nhất về chất lượng. Đây là nền tảng để cơ sở nhỏ có cơ hội làm ăn lớn với doanh nghiệp, từ đó sản phẩm cũng được tiêu thụ với giá cả ổn định hơn.
Cần xây dựng nhãn hiệu cho bột gạo Sa Đéc
Về định hướng phát triển ngành sản xuất bột của địa phương, ông Võ Thanh Tùng - Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc cho rằng: “Vấn đề thương hiệu sản phẩm bột gạo Sa Đéc phải được đặt lên hàng đầu, có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng sẽ góp phần nâng giá trị sản phẩm, quảng bá du lịch, thu hút đầu tư, phát triển đa dạng sản phẩm. Ví như đến Kiên Giang người ta biết đến nước mắm Phú Quốc, đến Tây Nguyên có cà phê Ban Mê Thuột. Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để phát triển hệ thống chuồng trại chăn nuôi tập trung, xây dựng nhà máy sản xuất bột gạo qui mô lớn hướng đến thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; quan tâm công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, hướng đến phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Có như vậy, làng nghề sản xuất bột mới phát triển ổn định, bền vững”.
Để tăng giá trị tăng thêm cho nông hộ làm nghề sản xuất bột, hiện tại TP.Sa Đéc cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Kim Sa cho biết: “Đây là cách làm hay, tuy nhiên cần chọn một vài hộ có điều kiện sản xuất và sẵn sàng tham gia. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch, địa phương cần có kế hoạch giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, phải tách việc chăn nuôi heo ra khỏi ngành sản xuất bột”.
Làng bột Sa Đéc không thiếu tiềm năng để phát triển, vấn đề là cần một cú hích, trong đó có sự tham gia đồng bộ của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và cả người sản xuất. Nếu không thay đổi, cơ hội sẽ trở thành thách thức, tiềm năng sẽ mãi là rào cản nếu không cố gắng vượt qua.
Minh Nhật