Cơn “mê” đa cấp
Cập nhật ngày: 30/12/2016 11:13:39
Kỳ cuối: Cơ quan chức năng vào cuộc
ĐTO - Thật ngạc nhiên khi có những cụ bà, cụ ông ở tuổi gần 90 lại có thể kể vanh vách công dụng của những chiếc giường, viên đá, hay nhiều vật dụng khác. Ngày nào họ cũng lục đục thức từ 4 giờ sáng để đến xếp hàng, đi dự hội thảo, nhảy điệu Gangnamstyle... Suy cho cùng, dù thế nào, tiền cũng đã sang túi người khác, công ty cũng đã dời đi... Để bảo vệ người dân, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã vào cuộc để xử lý những hoạt động của công ty đa cấp vi phạm pháp luật.
Một số người dân tin rằng, nằm trên những chiếc giường này sẽ trị được nhiều bệnh
Tăng cường quản lý
Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 doanh nghiệp tham gia hoạt động bán hàng đa cấp theo hình thức: mở các hội nghị, các lớp hội thảo, tập huấn đào tạo cho mạng lưới cộng tác viên, giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng; trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng (thông qua mạng lưới cộng tác viên). Hàng hóa kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, kim khí điện máy và sản phẩm chăm sóc sức khỏe,...
Các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh chủ yếu phát triển mạng lưới thông qua hình thức bán hàng nhiều cấp mà không cần có địa điểm kinh doanh cố định. Tại Việt Nam, Nhà nước và luật pháp cho phép bán hàng đa cấp, nhưng cấm bán hàng đa cấp bất chính. Hiện tại, hoạt động bán hàng đa cấp được điều chỉnh bởi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Thông tư số 24/2014/TT-BCT ngày 30/7/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác liên quan. Theo đó, quy định 18 hành vi bị cấm đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp và 5 hành vi bị cấm đối với người tham gia bán hàng đa cấp. Theo điều 48 Luật Cạnh tranh, cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp: yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp (một số công ty lách luật bằng cách yêu cầu người tham gia ký vào đơn tự nguyện mua sản phẩm, tuy nhiên, dù là thế nào, phải mua sản phẩm để được tham gia đều là bất hợp pháp); không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
Theo nhận định của cơ quan công an, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của nhiều người, một số tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp đã tung ra các chiêu thức quảng cáo đường mật, dụ dỗ, lôi kéo khách hàng. Sau khi bỏ ra hàng triệu đồng hay cả tỷ đồng để mua các gói sản phẩm, tham gia chương trình, không ít người mới phát hiện mình đã bị “sập bẫy” mua phải những sản phẩm kém chất lượng, khoản tiền đã đầu tư trở thành nợ khó đòi hoặc không thể thu lại được...
Cần sự phối hợp đồng bộ
Một trong những hình thức bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam là bán hàng đa cấp bất chính hay hình tháp ảo là một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp. Trong đó, lợi nhuận không thực sự được xuất phát từ giới thiệu sản phẩm, mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới, lợi dụng và bóc lột những thành viên bên dưới (đáy tam giác).
Theo Công an tỉnh, hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh hiện nay rất tinh vi, phức tạp, xảo quyệt gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý hoạt động này như: người bán hàng đa cấp tạo lòng tin, lôi kéo nhiều người tham gia; bản thân người mua muốn hưởng thêm hoa hồng, quyền lợi nên rủ rê nhiều người tham gia; người tham gia khi phát hiện bị lừa không dám tố giác tội phạm. Trước những vấn đề này, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, Công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo tài sản của người dân; phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra một số cơ sở bán hàng đa cấp, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số công ty tại TP.Sa Đéc, TP.Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 100 triệu đồng.
UBND tỉnh cũng đã có công văn tăng cường công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường công tác tuyên truyền và đấu tranh hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo. Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tất cả các đơn vị hoạt động kinh doanh, mua bán đa cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tại thời điểm kiểm tra, một số công ty không cung cấp được thủ tục, giấy tờ, chứng từ liên quan theo yêu cầu. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, niêm phong hàng hóa, mời người có thẩm quyền đến làm việc. Đối với cơ sở kinh doanh máy mát xa và máy mát xa nhiệt (còn gọi là nằm giường) tại thời điểm kiểm tra cũng không cung cấp được những thủ tục cần thiết (sau khi mời người có thẩm quyền mới đưa ra đủ các hồ sơ theo quy định)...
Ở góc độ quản lý, để người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, Sở Công Thương khuyến cáo người dân cần tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp mà mình dự định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp như tình trạng đăng ký, uy tín của doanh nghiệp, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp. Người dân phải rất cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan đến hàng hóa như công dụng của sản phẩm, về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và cần lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối phải xuất phát từ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và bản thân các nhà phân phối; mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản; mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm... Hiện nay, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền để mọi người hiểu, phân biệt các hình thức kinh doanh đa cấp chân chính, bất chính, tránh trường hợp người dân bị lừa đảo; phối hợp cùng các ngành xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, mua bán nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn.
C.Ph.