Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:

“Phát huy tiềm năng con người làm lợi thế phát triển”

Cập nhật ngày: 10/02/2022 06:07:40

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220210060943phamnghia2022.mp3

ĐTO - Những năm gần đây, Đồng Tháp được xem như hiện tượng “lội ngược dòng” khi từ địa phương khuất nẻo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã nhanh chóng vươn lên thành thương hiệu về sự phát triển toàn diện. Vì sao và thế nào, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xung quanh hành trình “lột xác” này.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 trái sang) trong lần cùng đoàn công tác thăm hỏi người lao động làm việc trong thời điểm dịch

Phóng viên (PV): Trước hết nhân dịp năm mới, xin chúc sức khỏe và thành công. Thưa ông, những năm gần đây, Đồng Tháp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và giới truyền thông đánh giá như hiện tượng về phát triển. Bên cạnh việc liên tục có mặt trong danh sách các địa phương dẫn đầu cả nước, Đồng Tháp còn xây dựng “hình ảnh - thương hiệu địa phương”: Đất Sen hồng. Từ đâu và vì sao Đồng Tháp lại chọn và xây dựng hình ảnh sen thành biểu tượng của địa phương? Ngoài ý nghĩa của loài cây mọc nhiều trong tự nhiên của vùng đất, còn có ý nghĩa nào?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Đồng Tháp từ lâu đã được biết đến qua 2 câu thơ nổi tiếng:

“Tháp Mười đẹp nhứt bông sen

Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ”

Nhắc đến Đồng Tháp người ta nghĩ ngay tới hình ảnh Đồng Tháp Mười mênh mông, cánh đồng sen bạt ngàn, nhưng sâu xa hơn, hoa sen đã thấm sâu vào tâm hồn và ý chí con người nơi đây; cho nên việc chọn hoa sen là biểu tượng địa phương chính là thể hiện phẩm chất, tinh thần con người Đồng Tháp như sự vươn lên của hoa sen mạnh mẽ, không khuất phục trước gian khó và thuần khiết: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Từ những đặc trưng này, tỉnh Đồng Tháp cũng đã chọn slogan cho du lịch: “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, với mong muốn du khách, nhà đầu tư khi đến nơi đây sẽ cảm nhận được nét nguyên sơ và sự chân tình, ấm áp của đất và người Đồng Tháp. Và trong quá trình hình thành và phát triển, con người Đồng Tháp đã chứng minh những chiến tích vươn lên vượt gian khó. Nổi bật nhất là việc khai phá thành công vùng Đồng Tháp Mười, được nhiều người ghi nhận như kỳ tích giữa đời thường. Bởi trước đó các nhà khoa học gọi là “vùng đất chết”, thành vựa lúa lớn nhất cả nước, trở thành vùng trù phú, địa phương nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Có thể nói, Đồng Tháp đã phát huy tinh thần đó và đã, đang nỗ lực xây dựng thương hiệu địa phương, không chỉ góp phần nâng cao ý thức, tình yêu quê hương và niềm tự hào về bản sắc văn hóa địa phương của người dân Đồng Tháp, mà mong muốn qua đó còn tạo sự thống nhất trong truyền thông, quảng bá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

PV: Đặc biệt là công tác điều hành, xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện của Đồng Tháp không chỉ thu hút nhiều doanh nghiệp tìm đến đầu tư, gắn bó lâu dài..., mà còn được nhiều địa phương ghi nhận, học tập. Trong đó có nội dung đi đầu như mỗi năm đều đưa ra slogan. Thưa ông, điều này có từ thời điểm nào và ngoài việc đảm bảo vần điệu, đối thanh, đối nghĩa.. các slogan còn truyền tải thông điệp gì?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Việc xây dựng slogan bắt đầu thực hiện từ đầu nhiệm kỳ trước khi Đồng Tháp là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết Tỉnh ủy về xây dựng hình ảnh địa phương và con người Đồng Tháp. Đồng Tháp cũng là địa phương đầu tiên xây dựng bộ nhận diện địa phương của cả nước, ngoài hình ảnh Sen, slogan và biểu tượng Bé Sen. Đây chính là một thông điệp quan trọng về chủ trương và mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong phát triển của địa phương hiện nay, cũng như những năm mới.

Vốn là địa phương thuần nông, khuất nẻo, không có nhiều tiềm năng thiên nhiên như một số địa phương bạn, vì thế Đồng Tháp xác định đã phải nỗ lực rất lớn về nhiều mặt để rút ngắn khoảng cách trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trong đó nổi bật và ưu tiên hàng đầu là việc khai thác, phát huy tiềm năng con người làm lợi thế phát triển. Điển hình là việc xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư. Mà việc Đồng Tháp liên tiếp có mặt trong top đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh, là minh chứng. Để đạt được kết quả này, Đồng Tháp đã lấy Nhân dân và doanh nghiệp vừa là động lực vừa là mục tiêu cho mọi hành động để tạo ra sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Chúng tôi đã làm hết sức mình, trong đó slogan hành động như một lời hiệu triệu để tất cả cùng nhất quán thực hiện mục tiêu chung.

PV: Ông có thể minh chứng một trong những hành động đạt hiệu quả cao từ việc ứng dụng slogan vào công tác điều hành, quản trị bộ máy, cơ quan chuyên môn.

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Đến thời điểm này, Đồng Tháp đã có 8 slogan. Mỗi câu đều mang một thông điệp ý nghĩa nhưng có lẽ mọi người nhớ nhất là slogan của năm 2017.

“Kín cổng cao tường khép vận hội

Trải lòng mở cửa đón tương lai”

Năm 2017 là năm đầu tiên UBND tỉnh Đồng Tháp mở cổng đón khách tham quan. Đây là điều gần như chưa có tiền lệ ở cơ quan công quyền, nhưng Đồng Tháp vẫn quyết tâm thực hiện, nhưng không chỉ để hướng tới mục tiêu tạo thêm sự gần gũi, gắn kết giữa chính quyền với người dân, mà sâu xa hơn chính là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm; là sự mở lòng, kết nối của cả bộ máy chính quyền. Trong đó, chú trọng xây dựng chính quyền thân thiện, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng Tháp trở thành điểm sáng của cả nước về công tác cải cách hành chính cũng bắt đầu từ tinh thần này.

PV: Được biết, năm 2022, Đồng Tháp quyết tâm khôi phục và tăng tốc hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp, đơn vị sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tương ứng với đó là slogan: “Thích ứng nhanh, nâng tầm vị thế; Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”, xin ông cho biết thêm cơ sở cũng như mối quan hệ biện chứng này?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Chúng ta đã trải qua một năm 2021 đầy sóng gió do dịch Covid-19 thì đây chính là lúc phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để bù đắp cho những tổn thất nặng nề vừa qua. Theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, năm 2022, Đồng Tháp cùng cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, tập trung khôi phục kinh tế. Trong kịch bản phục hồi kinh tế của tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Năm 2022, với sự xuất hiện của biến thể mới, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp đòi hỏi phải tiếp tục có sự chủ động và thích ứng linh hoạt trong tất cả các lĩnh vực để duy trì đà tăng trưởng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, slogan hành động năm nay thể hiện rất cao quyết tâm của tỉnh cũng như kêu gọi các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, slogan 2022 còn mang khát vọng mãnh liệt về sự phát triển thịnh vượng của quê hương Đất Sen hồng từ việc phát huy những giá trị thương hiệu mà địa phương đã dày công gầy dựng.

PV: Rõ ràng việc xây dựng slogan không hề đơn giản. Bởi nó không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết tường tận chủ trương phát triển năm tới của tỉnh, còn có cả sự thông thạo về kỹ năng như viết câu đối... Vì thế ông có thể bật mí công tác “bếp núc” của việc biên soạn này?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Từ xa xưa, câu đối là nét văn hóa của các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, đặc biệt vào dịp Tết. Slogan của tỉnh gần đây cũng xây dựng theo lối văn này. Đôi khi cũng có câu slogan chưa thật chỉn chu về vế đối âm, đối nghĩa..., nhưng điều quan trọng nhất là phải biểu thị được ý chí, góc nhìn, tình cảm, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương và được sự thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo tỉnh. Đơn cử như slogan năm nay, chúng tôi cũng đưa ra 2 phương án nhưng cả tập thể đều thống nhất chọn câu:

“Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế

Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”.

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục duy trì việc xây dựng slogan vào mỗi dịp đầu năm mới và xem đây vừa là thông điệp, thực sự là mục tiêu, vừa là phương châm hành động quan trọng cho cả năm.

PV: Gần đây ông và nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp khi bày tỏ quan điểm, định hướng phát triển kinh tế địa phương, hay đề cập đến định hướng hoạt động quan trọng: Chuyển từ tư suy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ông có thể nói rõ Đồng Tháp mong muốn gì từ chương trình hành động này?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Đồng Tháp kiên trì thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp với phương châm từ tư suy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng và giá trị gia tăng đột biến hơn so với giá trị gia tăng từ tăng cao sản lượng. Chúng tôi mong muốn tạo ra cái thị trường cần chứ không phải cái mình có, phải tạo ra giá trị gia tăng, chứ không phải là dừng lại ở gia tăng sản lượng. Chẳng hạn như phải đưa vào ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chú trọng chế biến, bảo quản, bao bì và thương mại điện tử. Chúng ta sẽ phân khúc thị trường để đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường mở trong những Hiệp định đối tác mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, tạo ra một cú hích cho sản xuất nông nghiệp.

PV: Để hướng tới mục tiêu đó, Đồng Tháp đã triển khai thực hiện được những gì và cần hỗ trợ điều gì để hoạt động mang lại hiệu quả như mong muốn?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Những thay đổi về tư duy sản xuất nông nghiệp đặt ra yêu cầu phải tương thích được với những thị trường, những Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Chúng ta sẽ phải thay đổi rất nhiều, để chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản lượng sang chất lượng, từ không an toàn thực phẩm sang an toàn thực phẩm... để đáp ứng những hàng rào kỹ thuật trong các hiệp định thương mại quốc tế. Để làm được điều này cần phải có những chính sách đồng bộ hơn để kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ... Đây là những mô hình tạo ra những giá trị trên từng đơn vị diện tích nông nghiệp.

Với những thành quả đạt được trong 5 năm thực hiện Chương trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” vừa qua, Đồng Tháp đang chuẩn bị sẵn sàng để tạo ra những thay đổi mới bằng những tư duy mới. Tất cả sẽ được kích hoạt trên từng cánh đồng, từng thửa ruộng, kích hoạt người nông dân, doanh nghiệp và hệ thống quản lý Nhà nước để hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn...

PV: Xin cám ơn ông và chúc ông cùng lãnh đạo tỉnh có thêm nhiều sáng tạo tiếp tục điều hành Đồng Tháp ngày một phát triển!

Lục Tùng (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn