Doanh nghiệp, nông dân Đất Sen hồng

Ước vọng về một năm mới thịnh vượng hơn

Cập nhật ngày: 09/02/2022 10:46:22

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220209104822DNdats022.mp3

ĐTO - Khép lại năm 2021 đầy thử thách, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nông dân bắt tay hoạch định nhiều chiến lược sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả phòng, chống dịch trong khôi phục kinh tế, ước vọng về 1 năm mới thịnh vượng hơn.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) tham quan nhà máy sản xuất giày của Công ty TNHH Tỷ Thạc. Ảnh: Văn Khương

Doanh nghiệp tái hoạt động mạnh mẽ

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II (TP Sa Đéc) khai trương, bắt tay sản xuất vào mùng 4 Tết. Ông Phạm Văn Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II cho biết: “Năm qua, tình hình dịch bệnh gây không ít khó khăn, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nhưng đơn vị cố gắng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Đây là nỗ lực không nhỏ của toàn thể cán bộ, công nhân viên và sự hỗ trợ nhiệt tình của các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương để DN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Ngay sau Tết, đơn vị tổ chức họp mặt chúc Tết và lì xì cho tất cả cán bộ, nhân viên để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến hết mình, góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN”.


Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH TM DV Công nghệ Xuân Minh . Ảnh: Nhật Khánh

Không khí làm việc trong những ngày đầu năm mới diễn ra khá sôi động tại Công ty TNHH TM DV Công nghệ Xuân Minh (huyện Cao Lãnh). Đơn vị đang đẩy mạnh hoạt động để giải quyết những đơn hàng giao cho đối tác trong những ngày đầu năm. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, đơn vị cung cấp cho thị trường 5 tấn rau các loại. Anh Nguyễn Phước Việt Cường - Giám đốc Công ty TNHH TM DV Công nghệ Xuân Minh cho biết: “Thời gian tới, nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng, tôi tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn quy trình sản xuất. Cùng với đó, nghiên cứu trồng thêm nhiều loại sản phẩm khác như xà lách, rau muống, dưa leo, cà chua, các loại cải... theo quy trình khép kín và đạt chứng nhận VietGAP, đảm bảo cung cấp đủ sản lượng thường xuyên cho thị trường”.


Sản xuất bánh phồng tôm ở Công ty CP XNK Nguyên Hậu. Ảnh: Mỹ Lý

Là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu bánh phồng tôm, năm qua, Công ty CP XNK Nguyên Hậu (huyện Châu Thành) nỗ lực trong việc duy trì hoạt động sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Ông Phạm Văn Hậu - Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nguyên Hậu bày tỏ, năm 2021 là năm đầy khó khăn và thách thức đối với DN khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến các công đoạn trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Để duy trì hoạt động sản xuất, Công ty CP XNK Nguyên Hậu thực hiện nghiêm các hướng dẫn và quy định của ngành chức năng về công tác sản xuất “4 tại chỗ” đối với DN. Bên cạnh đó, với sự đoàn kết của tập thể người lao động giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong năm qua có sự tăng trưởng khá tốt, so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu của DN tăng khoảng 35 - 40%. Nhờ vậy nên thu nhập và lương thưởng của người lao động tại đơn vị tăng so với cùng kỳ những năm trước, tạo được tâm lý phấn khởi cho người lao động.

Trước những tín hiệu lạc quan từ thị trường xuất khẩu và nội địa, trong năm 2022, Công ty CP XNK Nguyên Hậu dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất bánh phồng tôm. Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, trong năm Nhâm Dần, Công ty CP XNK Nguyên Hậu dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối tại các thị trường mới như Châu Phi và một số nước khu vực Châu Á.

Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng NN thành lập năm 1983 là DN Nhà nước được UBND tỉnh Đồng Tháp cổ phần hóa năm 2004 với lĩnh vực hoạt động tư vấn đầu tư công trình xây dựng, nông nghiệp, thủy lợi, giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị từ vốn Nhà nước. Mặc dù bị tác động dịch bệnh Covid-19, công ty vẫn hoàn thành kế hoạch tư vấn đầu tư công năm 2021 với doanh thu tư vấn 19,1 tỷ đồng; được bình chọn là DN tiêu biểu của tỉnh. Người lao động thu nhập bình quân 9 triệu đồng/tháng và được chăm lo Tết chu đáo. Ông Huỳnh Đức Tâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng NN cho biết: “Với khí thế sôi nổi, hăng hái trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhiều kỹ sư, công nhân tiến hành khảo sát công trình đường ven sông Tiền giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Năm 2022, công ty triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 nâng cao chất lượng khảo sát thiết kế công trình; thực hiện tốt chỉ đạo UBND tỉnh trong góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công”.


Nông dân sạ lúa ngày đầu năm. Ảnh: Thành Nam

Nông dân hướng đến sản xuất bền vững

Trước Tết, nông dân ở ấp Mỹ Nam 1, xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười đã thu hoạch vụ lúa đông xuân sớm với năng suất và giá lúa ổn định. Dù năm qua, ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng nông dân làm lúa ở đây vẫn cảm thấy phấn khởi khi chào đón năm mới vì giá đảm bảo có lời. Những ngày đầu năm mới này, nhiều nông dân vừa vui Tết vừa chuẩn bị xuống giống vụ lúa mới.

Anh Nguyễn Văn Tâm ngụ ấp Mỹ Nam 1, xã Mỹ Quí canh tác 20 công ruộng chia sẻ: “Năm qua, ảnh hưởng dịch và giá phân bón tăng mạnh làm cho nông dân làm lúa hồi hộp từng vụ, nhưng nhờ giá lúa ổn định nên cũng có lời. Ước tính bình quân mỗi vụ tôi lời 1,2 triệu đồng/công. Dù làm lúa năm rồi lời ít hơn những năm trước, nhưng tôi cảm thấy hài lòng vì dịch diễn biến quá phức tạp, nhiều nông dân nuôi trồng những thứ khác còn vất vả hơn, có vụ lỗ nặng. Giờ dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, tôi mong giá vật tư nông nghiệp bình ổn trở lại để nông dân làm lúa có lời tương xứng với công sức và chi phí đầu tư”.

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bà con xã viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 - Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) quay lại với công việc chăm sóc đồng án chuẩn bị thu hoạch vụ đông xuân năm 2022. Theo bà con xã viên, hiện lúa đang ở giai đoạn làm đòng, với trà lúa hiện tại, dự đoán năm nay năng suất lúa đạt khá, khoảng 7,5 tấn/ha. Đặc biệt, việc các DN thực hiện bao tiêu lúa trở lại, giúp nông dân an tâm đầu ra, đảm bảo lợi nhuận cao hơn so với vụ thu đông năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ông Ngô Phước Dũng - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 cho biết, vụ đông xuân năm 2022, HTX xuống giống hơn 500ha, chủ yếu là giống Đài Thơm 8. Hiện có hơn 300ha diện tích lúa của HTX được 4 công ty (Vinarice, Lộc Trời, Gia Bảo, Cửu Long) bao tiêu, với giá cao hơn thị trường từ 700-900 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. Trừ vụ thu đông năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN ngừng thu mua một số diện tích bao tiêu thì hiện nay, sau khi trở về trạng thái “bình thường mới”, các công ty, DN nhanh chóng kết nối bao tiêu trở lại. Hiện nông dân, DN đều bắt tay vào sản xuất với tâm thế phấn khởi.

Chia sẻ về kế hoạch sản xuất trong năm 2022, ông Ngô Phước Dũng cho biết, năm nay, HTX hoàn thiện thêm 150ha cơ giới hóa đồng ruộng (gồm các khâu phun thuốc bằng máy bay, gieo sạ bằng máy, giao thông nội đồng), tiến tới hoàn thiện 100% diện tích cơ giới hóa tại HTX, đồng thời tiến hành từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho bà con hợp tác xã.        

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, với tinh thần “Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển”, Đồng Tháp đẩy mạnh hỗ trợ khôi phục và phát triển doanh nghiệp; công nghiệp; thương mại dịch vụ và giữ vững nông nghiệp. Đồng thời đưa vào vận hành những dự án mới; cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư; khôi phục kết nối thị trường, chuỗi cung ứng...

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa kỳ vọng, dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với những bài học kinh nghiệm được đúc kết trong năm qua cùng với sự đồng lòng của cộng đồng DN, sự tin tưởng của Nhân dân sẽ giúp Đồng Tháp đạt được nhiều thắng lợi các mục tiêu đề ra năm 2022.

Nhóm Phóng viên phòng Kinh tế

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn