Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu từ hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - RCEP

Cập nhật ngày: 01/02/2022 06:19:31

ĐTO - Ngày 15/11/2020, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết giữa 15 quốc gia, bao gồm: 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác là Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022). Đây là cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Ngành chức năng và nhiều doanh nghiệp của tỉnh đang chủ động để tận dụng RCEP thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong tương lai.


Gạo và cá tra của tỉnh có cơ hội vào thị trường RCEP mạnh hơn

Cuối tháng 9/2021, khi dịch Covid-19 đang căng thẳng, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, Sở Công Thương phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức hội nghị trực tuyến “Tận dụng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19” với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia. Sự chủ động của Đồng Tháp được lãnh đạo VCCI Cần Thơ đánh giá cao, bởi kịp thời chia sẻ thông tin về RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp để sớm có giải pháp khai thác tốt những lợi ích cũng như ứng phó với những thách thức. Diễn giả Hoàng Ngọc Oanh - chuyên gia kinh tế quốc tế Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế thương mại Việt Nam, Hiệp hội Thông tin, Tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam chia sẻ, khi RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng (30% dân số thế giới), tương đương 26.200 tỷ USD (30% GDP toàn cầu), trở thành một trong những thỏa thuận tự do thương mại có quy mô lớn nhất trên thế giới. RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bổ sung phạm vi áp dụng của các hiệp định thương mại tự do ASEAN+ hiện hành. Hiệp định bao gồm 20 chương, ngoài các điều khoản cam kết về cắt giảm thuế quan, thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại, còn bao gồm các cam kết “phi truyền thống” (so với các FTA đã ký kết giữa ASEAN và 5 quốc gia đối tác) như: sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...


Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (huyện Lai Vung) đưa hàng lên tàu đi xuất khẩu

Tại Đồng Tháp, trong 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2020 thì có đến 40% (tương đương khoảng 440 triệu USD) từ thị trường trong khối RCEP và ước năm 2021 tỷ lệ này tiếp tục duy trì mặc dù xuất khẩu bị tác động từ đại dịch Covid-19. Một tỷ trọng kim ngạch tương đối cao so với các thị trường trong khối CPTPP, EVFTA mà Việt Nam đã tham gia (tỷ trọng chưa đến 20%). Do đó, có thể thấy thị trường khối RCEP là thị trường tiềm năng và có sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (Cụm công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) cho biết: “Trong 5 quốc gia ký hiệp định RCEP với 10 nước Asean thì IDI đã xuất khẩu thủy sản tới 4 nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Khi hiệp định có hiệu lực thì thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm, tăng tính cạnh tranh của mặt hàng thủy sản Việt Nam so với các loại thủy sản, thực phẩm của các quốc gia khác. Do đó, Công ty IDI và các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế để tăng thị phần ở các thị trường này. Hiện IDI xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia trên khắp thế giới. Năm 2020, IDI đạt tổng giá trị xuất khẩu 82 triệu USD, trong đó thị trường RCEP 47 triệu USD, còn năm 2021 đạt tổng giá trị xuất khẩu khoảng 90 triệu USD”. Đại diện Công ty TNHH liên doanh Nghị Phong (Khu công nghiệp Trần Quốc Toản, Phường 11, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) có trên 4.000 lao động chuyên sản xuất giày xuất khẩu chia sẻ, RCEP có tác động tích cực, nâng cao vị thế cạnh tranh của Quốc gia, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, sẽ có nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, giúp giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, kích thích phát triển kinh tế địa phương...


Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư  và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI

Theo ông Nguyễn Văn Luận - Phó Giám đốc Sở Công Thương, đối với RCEP, Đồng Tháp cần phải tận dụng cơ hội và vượt qua những rào cản của thị trường, để các mặt hàng vốn là thế mạnh của tỉnh như: thủy sản, gạo và các sản phẩm sau gạo, dệt may, da giày... có thể thâm nhập sâu vào thị trường này một cách nhanh chóng, đặc biệt thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiềm năng cho mặt hàng nông thủy sản Đồng Tháp.

Mục tiêu của Hiệp định RCEP là thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu. Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thị trường và việc làm cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc tham gia các FTA cũng như RCEP đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp. Vì vậy, để khai thác được tối đa lợi ích mà RCEP mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường RCEP đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn