“Thắp lửa” cho hàng Việt

Cập nhật ngày: 12/02/2013 06:15:31

Sau 3 năm phát động chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng tin yêu hàng Việt bởi sự dung hòa giữa chất lượng và mẫu mã. Để hàng Việt “gõ cửa” từng nhà, hộ gia đình, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều mô hình “thắp lửa” cho hàng Việt...


Chương trình đưa “Hàng Việt về nông thôn” được xem là chất xúc tác để đem đến một không gian mới giúp người dân có cơ hội tiếp xúc với hàng hóa chất lượng mà Ban chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban chỉ đạo 275) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đẩy mạnh trong thời gian qua. Theo thống kê, đến nay đã triển khai được 12 đợt đưa hàng Việt đến 10 huyện trên địa bàn tỉnh với nhiều loại sản phẩm đa dạng (hàng điện máy tiêu dùng, thực phẩm, nông sản). Hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý...

Mỗi phiên chợ diễn ra từ 2-3 ngày, đón trên 160.000 lượt người đến mua sắm, doanh thu tại mỗi phiên chợ trên 1 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đến với phiên chợ vô cùng hào hứng và cảm thấy thiếu sót khi thời gian qua ít quan tâm đến thị trường giàu tiềm năng này. Doanh nghiệp khẳng định, chính sự tin tưởng của người dân là điều kiện để doanh nghiệp tồn tại vững chắc.

Anh Nguyễn Duy Bình (phụ trách Maketting Công ty Cổ phần Tthiết bị Nhà bếp Vina) cho biết: “Chúng tôi có mặt tại các phiên chợ vừa để giới thiệu đến khách hàng sản phẩm của Công ty, vừa tìm hiểu thị trường để phát triển nhiều kênh phân phối. Để đáp lại sự tin tưởng của người tiêu dùng, chúng tôi cũng không ngừng thay đổi mẫu mã và chất lượng cho bà con sự lựa chọn tốt nhất”.

Chương trình hàng Việt về nông thôn ngày càng được đẩy mạnh do sự tin yêu của người tiêu dùng. Tại đây, họ được chọn lựa sản phẩm ưng ý, chất lượng, giá cả cạnh tranh, đặc biệt sản phẩm an toàn. Chị Bùi Thị Thu (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) cho biết: “Là dân nông thôn thu nhập không cao, nên chúng tôi phải lựa chọn sản phẩm chất lượng, giá tiền phù hợp. Hàng Việt đáp ứng được điều này, mặt khác sự an toàn của sản phẩm cũng khiến tôi có mặt tại phiên chợ hàng Việt”.

Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ chợ Tràm Chim (huyện Tam Nông) tiếp sức cho hàng hóa nội địa bén duyên với vùng đất Tam Nông qua cửa hàng chuyên bán hàng Việt với sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt, sản phẩm đặc sản của địa phương như: khô cá lóc, gạo...

Ông Phan Văn Nỷ - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: “Để người dân tiếp cận “sâu”, bền chặt và góp phần ích nước lợi nhà, chúng tôi đã thực hiện quầy ki-ốt để bán sản phẩm Việt”. Thời gian đầu người dân còn bỡ ngỡ, doanh số bán ra còn thấp, trung bình khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng/quầy. Đến nay, doanh thu từng bước tăng lên, người dân đã bén duyên với quầy hàng Việt.

Cô Đinh Thị Hát, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông nói: “Tôi tìm đến hàng Việt bằng niềm tin và quá trình sử dụng sản phẩm. Khi có cửa hàng bán hàng Việt ra đời, chúng tôi phấn khởi và yên tâm”.

Câu lạc bộ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười cũng là điểm nhấn để “hàng hóa nội” đồng hành cùng người dân. Được thành lập từ 2010, với 38 chị em phụ nữ đăng ký hoạt động. Để Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, Ban chủ nhiệm đã tranh thủ đến tham quan các buổi hội chợ, phiên chợ hàng Việt để tích lũy kinh nghiệm trong việc điều hành, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức, tạo đồng thuận lớn trong chị em phụ nữ.


Đến nay câu lạc bộ đã có 58 thành viên, trong đó có 15 thành viên là tiểu thương mua bán tại các chợ Mỹ Quý và Đường Thét. Nhiều người nhận thấy mô hình mang tính xã hội cao nên đầu tư vốn xây nhà bách hóa chuyên bán hàng Việt, giới thiệu “sản phẩm nội” đến bà con vùng sâu.

Chị Đỗ Thị Cà Xây - chủ cửa hàng bách hóa tự chọn Thy Nguyên chợ Đường Thét chia sẻ: “Tôi là hội viên của câu lạc bộ, thấy sự thiết thực của mô hình nên đã tự thân thành lập một gian hàng riêng bán toàn sản phẩm hàng Việt. Khi người dân đến với gian hàng, tôi tuyên truyền về giá trị hàng Việt, từ đó người tiêu dùng càng tin vào hàng Việt. Theo thống kê, vào những dịp lễ, tết số lượng hàng Việt được người dân mua sắm chiếm trên 70%. Việc sử dụng hàng Việt còn góp phần khẳng định lòng tự tôn dân tộc, ích nước lợi nhà”.

Ông Lê Văn Sa - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 275 tỉnh nhận định: “Qua công tác tuyên truyền, người dân ngày càng tin yêu hàng Việt. Tỷ lệ sử dụng hàng nội tăng cao cả khu vực nông thôn và thành thị, xem đây là nét văn hóa của người tiêu dùng. Riêng đối với chương trình hàng Việt về nông thôn, các Câu lạc bộ Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, ki-ốt bán hàng Việt đã tạo chất xúc tác mạnh mẽ hơn, rộng khắp để người dân gần hơn với hàng trong nước. Hiện nay, một số địa phương đang từng bước nhân rộng các mô hình này để kết nối hàng hóa Việt đến trực tiếp với người dân, góp phần chung vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước”.

Khánh Duy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn