“Thiên sứ cây lúa”
Cập nhật ngày: 08/12/2020 05:53:43
ĐTO - Khi Ban tổ chức công bố gạo ST 25 đạt giải Nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Manila (Philippin), ông như òa vỡ. Bởi ngoài vinh dự chung của lần đầu tiên gạo Việt đăng quang cuộc thi danh giá thế giới, còn là kỷ niệm đánh dấu hơn nửa thế kỷ ông đã dấn thân vì cây lúa...
Tổng lãnh sự Nhật tại TP.HCM trao Giấy khen cho GS. TS Võ Tòng Xuân (bên phải) với tư cách là người tiến sĩ tốt nghiệp tại Nhật Bản có nhiều đóng góp hữu ích cho ngành nông nghiệp quốc tế
“Bà đỡ” Gạo ngon Nhất thế giới
Chia sẻ cảm xúc với tư cách thành viên chính thức của đoàn Việt Nam dự cuộc thi Gạo ngon thế giới lần thứ 11, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết: “Đây là quả ngọt ngào của hành trình gần 1/3 thế kỷ”. Chuyện bắt đầu vào năm 1990. Nhận thấy gạo Việt chỉ có thể xuất khẩu vào thị trường bình dân, giá thấp do chất lượng chưa cao, GS. Xuân trăn trở về giống lúa Việt có mùi thơm, hạt dài, trắng... Đúng lúc này, đồng nghiệp Viện Lúa quốc tế (IRRI) gởi tặng giống lúa Khao Dawk Mali 105 (Thái Lan) hạt dài, thơm, ngon cơm... GS. Xuân nghĩ ngay đến kỹ sư Hồ Quang Cua – học trò cũ có niềm đam mê lúa giống để chọn mặt gởi vàng. Không phụ lòng thầy, sau 4 năm mày mò lai tạo, kỹ sư Cua cho ra đời giống lúa thơm với ký hiệu ST gây chú ý cho cả giới nghiên cứu và người tiêu dùng. Và khi đến dòng thứ 20 thì ST đã nức tiếng. Và một lần nữa, “bà đỡ” Võ Tòng Xuân đưa gạo ST vượt khỏi ao làng. Cuối năm 2016, với tư cách “cố vấn” đoàn công tác nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sang Campuchia học kinh nghiệm quốc gia có 3 năm liên tiếp đạt giải Gạo ngon nhất thế giới, GS. Xuân đã “bày binh bố trận” để ông Cua mục sở thị cách làm. Chính cách học “tai nghe mắt thấy” đã truyền lửa cho ông Cua mạnh dạn vươn ra biển lớn. Năm 2017, gạo ST của ông Cua đạt giải Ba, đến năm 2019, gạo ST đời thứ 25 của ông vươn lên giành giải Nhất cuộc thi Gạo ngon thế giới.
GS.TS Võ Tòng Xuân (bên phải) trong lần cùng ông Lê Minh Hoan thảo luận về sản xuất nông sản sạch
Hành trình nửa thế kỷ
“Lúc nghe Ban tổ chức xướng danh gạo Việt Nam đạt giải Nhất, tôi như vỡ òa với niềm vui nhân đôi”- GS. Xuân chia sẻ. Bởi nơi đây, hơn nửa thế kỷ trước, GS. Xuân đã khởi nghiệp “khuyến nông”. Năm 1969, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Nông hóa tại Đại học Nông nghiệp Philippin, GS. Xuân được IRRI nhận vào làm vì có sáng kiến... khuyến nông. Do nhiều lý do khách quan, GS. Xuân chọn học ngành nông hóa, nhưng thâm tâm luôn ấp ủ về cây lúa để về nước giúp bà con, nên ông chủ động đến Viện IRRI xin dự các lớp huấn luyện về lúa. Lúc đầu họ đòi phải có đủ các giấy tờ từ Chính phủ Việt Nam gởi sang, nhưng thấy ông quá tha thiết và chấp nhận tự lo chỗ ăn ở... nên họ đồng ý cho học... dự thính. Do Viện mới thành lập chưa tròn 10 năm, nên mọi thứ còn ở bước khởi đầu. Vì vậy hết buổi học đầu tiên, ông gặp người quản lý góp ý về nội dung, cơ cấu chương trình... Thấy hợp lý, họ khuyến khích ông viết đề xuất. “Nhờ trước đó, được Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines mời làm thông dịch cho nhóm cán bộ diệt trừ sốt rét của Việt Nam sang dự khóa huấn luyện “Phương pháp huấn luyện cho người học nghề” do chuyên gia Hoa kỳ dạy nên tôi nắm được phương pháp dạy nghề tiên tiến”- GS. Xuân tâm tình. Soạn xong, ông nộp lại và thật bất ngờ, cuối ngày, Giám đốc IRIR mời đến thông báo: “Ngày mai vào làm việc”. Trong thời gian này, GS. Xuân lại đi tiên phong phổ biến mô hình khuyến nông trực tiếp trên đất nước Philippin. Thông qua chị Kim Vy - sinh viên Việt Nam lấy chồng Philippin, ông có dịp quen với bà Quizon - điền chủ ở tỉnh Batangas, cách trụ sở IRRI độ 60km. Trong lần đến chơi, thấy tá điền ở đây phần lớn đều nghèo mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kỹ thuật canh tác, sẵn máu hào hiệp Nam bộ, ông tự nguyện giúp. Mỗi Chủ nhật, ông đón xe đò đến huấn luyện kỹ thuật rồi trực tiếp mang giống lúa cao sản đến bày cách cho họ trồng. Sau 2 năm, đời sống họ khá lên và ông được chủ điền nhận làm con nuôi. Từ những kinh nghiệm đó, ông đã đúc kết thành quyển sách: “Cẩm nang huấn luyện kỹ thuật trồng lúa cao sản”, được IRRI xuất bản năm 1972.
“Ông tổ” khuyến nông lúa cao sản
“Sau 10 năm học tập ở Philippin, năm 1971, tôi quyết định về nước với mong muốn góp phần giúp nông dân trồng lúa”- GS. Xuân chia sẻ - “Vì lẽ đó, tôi đã chọn Viện Đại học (ĐH) Cần Thơ làm nhà với mong muốn nhân nhanh kiến thức nông nghiệp”. Tại đây, ông đặt viên gạch cho “khuyến nông chính quy” bằng việc soạn giáo trình môn “Phổ triển”- tiền thân của bộ môn khuyến nông ngày nay và sáng tạo ra nhiều mô hình “khuyến nông cộng đồng”, được xem là “kinh điển” trên phạm vi toàn cầu. Với vốn kinh nghiệm cộng tác với Đài phát thanh Philippin thời sinh viên, ông mạnh dạn đặt vấn đề với Đài phát thanh Sài Gòn xây dựng “Chương trình Gia đình Bác Tám”, trong đó ông nhận trách nhiệm chuyên môn kiêm diễn viên. Đây là chương trình phát thanh lúc 5 giờ sáng hàng ngày phổ biến kỹ thuật nông nghiệp thông qua loại hình kịch ngắn hấp dẫn nên có sức cuốn hút rộng khắp, đến mức khi tham gia tiếp quản ĐH Cần Thơ sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Kim Quang (sau đó trở thành Phó Hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Cần Thơ) đã hỏi ngay: “GS. Võ Tòng Xuân - gia đình bác Tám - còn đây không?”.
Những ngày đầu thống nhất đất nước, sau khi nhanh chóng hòa mình vào làm dòng thác cách mạng, ông tiếp tục lập chiến tích mới trên lĩnh vực khuyến nông. Đình đám nhất là việc khởi xướng và trực tiếp chỉ huy “cuộc tổng tiến công rầy nâu”. Đầu năm 1976, nông dân đồng bằng sông Cửu Long như rơi vào khốn khó khi hầu hết các giống lúa cao sản đương thời như: TN73-2, IR26 bị cháy rầy nâu biotyp 2. Nhiều nơi, nông dân phải bán cả bộ lư, thậm chí cả tủ thờ để cứu lúa nhưng không có tác dụng. Qua liên lạc, ông được Tiến sĩ Gurdev Khush (Viện IRRI) gởi 5gr hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện. “Lượng lúa giống nằm gọn trong bao thư, vì vậy, để cứu nông dân, phải nghĩ ra cách nhân giống nhanh nhất”- GS. Xuân xúc động nhớ lại. Thế là phương pháp cấy 1 tép/bụi do chính GS. Xuân mày mò ra đời. Cụ thể, khi cây lúa được 3 nhánh, tiếp tục tách ra, rồi cấy 1 tép/bụi... Nhờ vậy mà chỉ trong 3 tháng, từ 5gr hạt ban đầu, đã thu về 2 tấn giống. Và đến đây, ông lại khai sinh mô hình khuyến nông mà trước đó chưa từng có trên toàn cầu. Đó là thuyết phục lãnh đạo ĐH Cần Thơ “đóng cửa toàn trường” để đưa sinh viên giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long “đánh giặc” rầy nâu. Sau khi huấn luyện cấp tốc cho hơn 2.000 sinh viên 3 phương pháp cơ bản: sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi, GS.Xuân phát lệnh: Mỗi nhóm mang 1kg lúa giống IR36 để cấy ra 1.000m2. Cách này trái với tập quán lâu đời của bà con nên vấp phải phản ứng rất quyết liệt... Tuy nhiên khi biết tác giả là “Giáo sư của chương trình Gia đình bác Tám”, nông dân tin tưởng làm theo... Nhờ đó, chỉ trong hai vụ trồng, giống mới IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, nông dân trúng mùa. Trận đánh “giặc rầy nâu” do ông “tổng chỉ huy” đã toàn thắng.
GS.TS Võ Tòng Xuân (bên trái) trong lần vào tận xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) để nói chuyện trồng lúa với nông dân
Thổi gió khuyến nông vào nghị trường
Không chỉ dốc hết tâm huyết cho “khuyến nông Nhân dân” để phát triển cây lúa, GS. Xuân cũng hết sức “máu lửa” khi thổi ngọn gió khuyến nông vào tận hội trường Quốc hội để đòi công bằng cho cây lúa đang có dấu hiệu “quá tải” trước làn sóng “trồng lúa bằng mọi giá”. “Tại kỳ họp tháng 6/1980 của Quốc hội, bằng những minh chứng khoa học cụ thể, tôi đã phê phán chính sách phá rừng tràm để lập các vùng lúa. Tôi đặc biệt nhấn mạnh: Điều không chỉ lãng phí ngân sách, đánh mất môi trường sinh thái mà còn làm nhụt chí người trồng lúa”- GS. Xuân nhớ lại. Phát biểu bùng nổ này không chỉ khiến Chính phủ cam kết “xem xét lại”, mà còn tạo ra luồng gió mới trong thảo luận Quốc hội.
Tuy nhiên, cũng vì quá quyết liệt với cây lúa mà không ít lần ông bị “lời ra, tiếng vào” và thậm chí là có lần “suýt chết” cả sự nghiệp. Sau thời gian tổ chức mô hình thuyền văn nghệ đến tận các vùng sâu phục vụ bà con chương trình văn nghệ xen với nội dung khuyến nông, trong đó GS. Xuân đảm trách nhiệm vụ nhạc công (trống và Mandolin), đạt nhiều thành tựu. Nhưng với mong muốn “phủ sóng” rộng hơn, đầu năm 1978, ông đã mạnh dạn tìm đến Đài truyền hình TP.HCM đặt vấn đề hợp tác “Chương trình Khoa học kỹ thuật nông nghiệp” trong đó ông trực tiếp viết kịch bản, kiêm đóng kịch. Tuy chỉ phát 1 lần/tuần với thời lượng 30 phút, nhưng do được chuyển hóa những kiến thức khoa học thành lời ăn tiếng nói ngày thường nên chương trình nhanh chóng thu hút khán giả đến mức sau này, khi nhắc lại Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ví von là “làm ế cả chương trình cải lương”.
Tuy nhiên đến năm 1979, chứng kiến nông dân gần như bị bắt buộc vào hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất rồi sống dở, chết dở với kiểu sản xuất “hụ hợ”, ông đã âm thầm bày cách cho một số Tập đoàn sản xuất - điển hình nhất là Tập đoàn sản xuất số 9, ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tổ chức sản xuất theo kiểu “khoán sản phẩm”. Thấy mô hình làm ăn đầy hiệu quả, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1980, ông đã mạnh dạn đưa vào lên Chương trình truyền hình... Có lẽ lâu nay chỉ thấy toàn nói về kỹ thuật nên nhà đài cũng ít khi kiểm duyệt nên mọi chuyện trót lọt. “Sau khi phát sóng, anh Hai Chung (nông dân sản xuất giỏi ở Tiền Giang) đón xe lên Cần Thơ khuyên tôi lánh mặt vì nghe “hung tin” từ lãnh đạo Ban Hợp tác hóa Trung ương... Lúc đầu cũng rất lo, nhưng rất may, sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã lắng nghe và ban hành Chỉ thị số 100CT/TW (13/1/1981) mà sau này chúng ta quen gọi là Khoán 100. Thế là đồng đất được cởi trói, tôi được trắng án”- GS. Xuân bồi hồi.
Giờ đây đã bước qua tuổi 80, nhưng ông vẫn chưa chịu “hết giờ”. Lịch làm việc đầy kín những cuộc hẹn với người trồng lúa ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Liên tục và liên tục, ông như vị thiên sứ đến với cuộc đời này để giúp người dân trồng lúa và khá lên từ cây lúa...
Lục Tùng