Hiểu rõ hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 07/12/2020 06:16:36

ĐTO - Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến “Phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2020”. Tham dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu của thời đại. Quá trình này góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Hiểu rõ tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua, Đồng Tháp tổ chức nhiều hội nghị phổ biến kiến thức nhằm giúp doanh nghiệp (DN), các ngành, địa phương nắm bắt thông tin và làm tốt công tác dự báo thị trường để hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi với nền kinh tế của địa phương.

Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa cũng đề nghị cộng đồng DN kinh doanh xuất khẩu của tỉnh cập nhật những thông tin một cách chính thống, tận dụng cơ hội FTA mang lại để hoạch định chiến lược xuất khẩu cho DN trong thời gian tới. Qua đó, nhằm góp phần đưa hoạt động xuất khẩu của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung phát triển bền vững.

Thời gian qua, Việt Nam chủ động và tích cực tham gia vào các thiết chế kinh tế đa phương và khu vực, với dấu mốc quan trọng như gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là thành viên sáng lập của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Âu (ASEM), trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và đặc biệt là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đánh dấu sự hội nhập toàn diện của nền kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA, cả ở cấp độ song phương và nhiều bên. Đến nay, nước ta đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA) và đang đàm phán 3 Hiệp định với các nước khác. Trong số các FTA này, có 2 FTA thế hệ mới. Việc thực thi các FTA nói trên đã góp phần mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và quá trình hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của nước ta. Đặc biệt, các FTA thế hệ mới với những cam kết sâu, rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi thế cạnh tranh lớn đối với hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mức độ mở cửa thị trường lên tới hơn 90%. Các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Cá tra, cá basa là những mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mexicô sẽ được hưởng thuế suất 0% vào năm thứ 3 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Đối với mặt hàng gạo xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực. Mặt hàng này sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường mới như Canada và Mexico.

Khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, với mức độ mở cửa thị trường lên tới gần 100%, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0 – 4% như hạt tiêu; gạo tấm, các sản phẩm từ hạt. Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ qua chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình 3 – 7 năm.


Khi một số FTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá tra Đồng Tháp mở rộng thị trường

Để có thể tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong công tác hội nhập, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trước hết cần tiếp tục kiên trì triển khai các đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế về đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, xử lí linh hoạt các tình huống chủ động và tích cực hội nhập. Đối với tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần thay đổi chính sách hỗ trợ tiếp sức cho DN. Trong đó, cần tạo ra một hệ sinh thái trong công tác hỗ trợ DN; chính quyền cần tạo điều kiện để DN kết nối tốt hơn với người nông dân.

Về phía DN và nông dân, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị DN, nông dân cần làm ăn chuyên nghiệp, tử tế, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất chú trọng đến bảo vệ môi trường... Đặc biệt, trong bối kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, các DN cần bắt kịp xu hướng số hóa để không bị bỏ lại phía sau. Ngoài chú trọng xuất khẩu thì thị trường gần 100 triệu dân ở nội địa cũng là thị trường tiềm năng mà các DN cần tận dụng và khai thác triệt để...

Dịp này, Bộ Công Thương cũng thông tin nhiều chuyên đề về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA); khai thác cơ hội và giảm thiểu thách thức, các khuyến nghị đối với tỉnh Đồng Tháp; quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP và EVFTA; những vấn đề địa phương, DN cần lưu ý...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn