Anh Ba Tuấn và câu chuyện khởi nghiệp trồng nho xứ cù lao Long Khánh
Cập nhật ngày: 11/01/2024 13:30:32
ĐTO - Thời gian qua, Điểm tham quan Vườn nho Ba Tuấn của nông dân Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1974) ở xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách. Đến đây, du khách được “đắm chìm” trong không gian vườn nho trĩu quả, thưởng thức một số sản phẩm chế biến từ nho. Với sự sáng tạo đó, mô hình bước đầu giúp anh Tuấn tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất và góp phần phát triển du lịch địa phương...
Anh Nguyễn Thanh Tuấn bên vườn nho 152 của gia đình
TRỒNG NHO Ở XỨ CÙ LAO
Sau khi mua khu đất rộng gần 3ha ở ấp Long Bình, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, anh Nguyễn Thanh Tuấn bắt đầu cân nhắc tính tới chuyện canh tác vườn. Trước ý định đó, anh Tuấn đem mẫu đất đến cơ quan chức năng phân tích thành phần, kết cấu đất để tìm những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng khu vực này. So với nhiều người, cách làm của anh Tuấn được xem là “mất công, mất thời gian”. Tuy nhiên, giải pháp này giúp anh lựa chọn được loại cây trồng phù hợp, giảm bớt rủi ro cho khu vườn tương lai của gia đình. Kết quả phân tích của ngành chức năng cho thấy, thổ nhưỡng của khu đất thích hợp canh tác nhiều loại cây trồng, đặc biệt có thể trồng được một số giống cây mới như: nho và kiwi. Từ kết quả phân tích đó, đầu năm 2019, anh Nguyễn Thanh Tuấn mạnh dạn trồng 1.400 gốc giống nho 152 trên diện tích 19.000m2.
Nhớ lại quyết định “đi ngược lại số đông” khi đưa cây nho 152 về canh tác tại vùng cù lao Long Khánh, anh Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: “Xưa giờ, mọi người nghĩ cây nho chỉ trồng được ở nước ngoài hoặc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận còn xứ “hai mùa mưa nắng” này lại rất khó trồng. Ban đầu khi nghe tin tôi quyết định trồng nho 152, người thân trong gia đình, hàng xóm đều ngăn cản vì lo lắng tôi sẽ thất bại. Nhưng tôi nghĩ, nếu chỉ trồng những loại cây ăn trái quen thuộc như: quýt, cam, bưởi, mít... khi đến mùa thu hoạch, sản lượng sẽ bị ùn ứ và rất khó bán. Vì là “người đi sau” nên tôi lựa chọn cây chưa có người trồng, nhu cầu thị trường lớn sẽ dễ bán hơn. Từ suy nghĩ đó và kết quả kiểm tra mẫu đất từ ngành chức năng, tôi mạnh dạn thử sức với cây nho 152 trên vùng đất cù lao quê hương”.
Nhờ không ngừng học hỏi kinh nghiệm trồng nho từ bạn bè trong và ngoài nước, vườn nho của anh Tuấn phát triển rất tốt. Cuối năm 2019, gia đình anh Tuấn thu hoạch lứa nho đầu tiên với năng suất trên 1 tấn trái, với giá bán khoảng 150 ngàn đồng/kg đã mang về cho anh Tuấn doanh thu gần 150 triệu đồng.
Những chùm nho 152 sai trĩu quả tại Điểm tham quan Vườn nho Ba Tuấn
KHAI THÁC VƯỜN NHO THEO HƯỚNG ĐA GIÁ TRỊ
Không chỉ dừng lại ở mô hình trồng nho bán trái, nhận thấy nhiều du khách ở địa phương có nhu cầu tham quan vườn nho, anh Tuấn và gia đình mạnh dạn mở cửa cho khách vào tham quan miễn phí vườn nho dịp Tết Dương lịch 2020. Mặc dù, chỉ mở cửa đón khách trong 3 ngày Tết nhưng vườn nho của anh Tuấn có trên 3.000 lượt du khách đến tham quan.
Nhận thấy tín hiệu tích cực từ khách du lịch và sự hướng dẫn tận tình từ chính quyền địa phương, Tết Nguyên đán năm 2020, anh Tuấn đầu tư thêm một số tiểu cảnh và mở cửa đón khách du lịch gần xa. Kết thúc dịp Tết Nguyên đán, Điểm tham quan Vườn Nho Ba Tuấn đã tiếp đón trên 7 ngàn lượt khách du lịch từ các tỉnh, thành phố về tham quan, giúp gia đình tăng doanh thu gần 140 triệu đồng từ mô hình mới.
Cũng giống như nhiều điểm tham quan trên cả nước, sau Tết Nguyên đán 2020, cả nước bắt đầu bước vào giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 nên Điểm tham quan Vườn nho Ba Tuấn buộc phải đóng cửa. Do nhu cầu đi lại khó khăn, nho tươi không tiêu thụ được, chín, rụng đầy vườn khiến anh Tuấn không khỏi xót xa. Anh Nguyễn Thanh Tuấn nhớ lại: “Dịch Covid-19 ập tới, khó khăn chồng chất khi nho chín, rụng đầy vườn không thể tiêu thụ được. Mặt khác, do ảnh hưởng mưa bão nên một số giàn nho trái còn xanh cũng bị sập khiến tổn thất càng nặng nề hơn. Khi đó chưa có kinh nghiệm chế biến nên nho chín rụng, gia đình chỉ biết lấy cho cá ăn. Tuy nhiên, cũng nhờ khó khăn đó, tôi mới mạnh dạn thử đem nho ủ rượu và may mắn nhờ một số bạn bè hướng dẫn, góp ý nên sau nhiều lần thử nghiệm, tôi sản xuất thành công sản phẩm rượu nho. Hiện tại, ngoài trồng nho bán trái tươi, bán cây giống, gia đình tôi còn có sản phẩm rượu nho để phục vụ du khách. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ phát triển thêm sản phẩm nho sấy khô, mang đến cho du khách thêm trải nghiệm với nhiều sản phẩm mới”.
Rượu nho đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của anh Nguyễn Thanh Tuấn
Bên cạnh đó, anh Tuấn còn đầu tư thêm nhà màng cho vườn nho giúp cây nho sinh trưởng và phát triển tốt hơn trong những giai đoạn thời tiết bất lợi như mùa mưa bão, giúp cây nho giảm một số bệnh và sâu hại tấn công, sản phẩm sạch và an toàn hơn. Nhờ đầu tư nhà màng và áp dụng một số giải pháp sản xuất tiên tiến nên năng suất và chất lượng trái ở vườn nho của anh Nguyễn Thanh Tuấn không hề thua kém sản phẩm cùng loại nhập khẩu hay tại các trang trại lớn ở Ninh Thuận, Bình Thuận...
Để tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, cũng như trồng thêm một số giống nho mới phục vụ khách du lịch và chế biến, trong năm 2024, anh Tuấn dự kiến sẽ tiếp tục trồng thêm 2 ngàn gốc nho 152 và nho ngón tay đen. Song song đó, anh Tuấn còn dự kiến phối hợp với một số điểm tham quan khác trên địa bàn huyện như: Làng nghề Dệt choàng Long Khánh A, mô hình Phiên chợ quê Long Thuận... nhằm tạo cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm hấp dẫn hơn khi đến tham quan tại huyện Hồng Ngự...
Ông Phạm Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự cho biết, Điểm tham quan Vườn nho Ba Tuấn là một trong những mô hình du lịch nông nghiệp nổi bật của xã Long Khánh B. Thời gian qua, nhằm giúp cho mô hình du lịch này đi vào hoạt động bài bản và thu hút du khách, UBND xã Long Khánh B phối hợp chặt chẽ với các ngành của huyện để hướng dẫn về chuyên môn lĩnh vực du lịch, tạo thuận lợi cho đơn vị tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định. Song song đó, địa phương cũng hướng dẫn đơn vị thực hiện các hồ sơ thủ tục về đăng ký sản phẩm OCOP đối với sản phẩm rượu nho, rượu bưởi. Hiện, 2 sản phẩm này đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Trong định hướng sắp tới, địa phương sẽ kết nối Điểm tham quan Vườn nho Ba Tuấn với các điểm tham quan khác như Làng nghề Dệt choàng Long Khánh A... tạo thành một chuỗi tham quan khép kín và hấp dẫn hơn...
MỸ LÝ