Tạo lập môi trường phát triển khu vực dịch vụ, huy động nguồn lực đầu tư
Cập nhật ngày: 08/01/2024 10:56:26
ĐTO - Thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Cao Lãnh đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó việc tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ, thu hút, huy động nguồn lực... góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế.
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh
Thời gian qua, khu vực thương mại - dịch vụ của TP Cao Lãnh tiếp tục phát triển tốt, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều có sự chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa đa dạng về chủng loại, đảm bảo chất lượng và bình ổn giá. Thành phố tập trung tổ chức đầu tư, sắp xếp lại các chợ theo hướng văn minh, hiện đại; chuyển giao quản lý chợ từ Ban Quản lý chợ thành phố về xã, phường quản lý nhằm tăng cường công tác quản lý chợ ở các địa phương; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại 3 tuyến phố nằm trên đường Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt.
Tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2023, trên địa bàn thành phố có 485 doanh nghiệp và 3.448 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, nâng tổng số 1.641 doanh nghiệp và 16.167 hộ kinh doanh hiện đang hoạt động. Thành phố triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo thiết thực, hiệu quả, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 154 tỷ đồng, tạo tiền đề tăng thu cho ngân sách nhà nước một cách bền vững. Giai đoạn 2021 - 2023, thành phố có 22 dự án khởi nghiệp mới, hình thành không gian khởi nghiệp và tổ chức các hoạt động nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ kết nối các dự án, mô hình và ý tưởng khởi nghiệp; có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đạt 33,3% chỉ tiêu kế hoạch.
Về thu hút, huy động nguồn lực, cơ cấu lại đầu tư, thành phố tổ chức thực hiện đúng các quy định của Luật Đầu tư công trong việc cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trung hạn và hàng năm; vốn đầu tư công được bố trí có trọng tâm, phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quy hoạch được duyệt; triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, kiên quyết loại bỏ những dự án kéo dài chưa hiệu quả, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, hàng năm phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100%. Trong giai đoạn 2021 - 2023, UBND tỉnh đã bố trí vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho thành phố 350,228 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 98,7%. Mặt khác, thành phố bố trí 1.190,739 tỷ đồng cho các dự án, công trình trên địa bàn. Công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư một số dự án góp phần chỉnh trang, mở rộng không gian, phát triển hạ tầng đô thị, kinh tế - xã hội của thành phố được quan tâm thực hiện, danh mục dự án mời gọi đầu tư được rà soát, bổ sung hàng năm phù hợp với định hướng phát triển, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại - dịch vụ trên địa bàn.
Thành phố khai thác tốt các nguồn thu ngân sách trên địa bàn hàng năm, tốc độ tăng bình quân là 14,7%/năm, đứng đầu trong 12 huyện, thành phố; tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phải bảo đảm tính tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, điều hành; quản lý thu, chi ngân sách theo đúng quy định; điều hành chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán giao. Các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ tốt cho người dân các chính sách tín dụng để gia tăng sản xuất, kinh doanh, ưu tiên nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp)...
TN