Xây dựng các quy hoạch ngành phù hợp nhu cầu liên kết, phát triển vùng
Cập nhật ngày: 04/01/2024 08:40:27
ĐTO - Thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/ 2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022), UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo công tác rà soát các quy hoạch liên quan (trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của cấp tỉnh) để điều chỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng mới, điều chỉnh các quy hoạch ngành phù hợp với nhu cầu phát triển của vùng và Luật Quy hoạch năm 2017.
Quốc lộ 30 - công trình giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (Ảnh: Nhật Khánh)
Cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như triển khai các nội dung có tính liên kết vùng theo Quy hoạch vùng ĐBSCL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Tháp đang hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch các địa phương trong vùng đã được Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh thông qua, đang hoàn thiện quy hoạch theo quy định. Đồng Tháp cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khi có yêu cầu tham gia rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Quy hoạch để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo nhiệm vụ Chính phủ giao.
Trong thời gian qua, Đồng Tháp rất tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai các giải pháp phát triển thủy sản, trái cây và lúa gạo để cùng nhau khai thác hiệu quả thế mạnh vùng và của từng địa phương, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn so với việc sản xuất riêng lẻ. Việc phối hợp được triển khai từ khâu tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ, chế biến tạo ra giá trị gia tăng đến khâu phân phối tiêu thụ (trong nước, xuất khẩu). Tỉnh đã và đang tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất theo hướng hiện đại; tổ chức sản xuất theo hướng giảm giá thành, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tạo tiền đề thực hiện liên kết với các địa phương trong khu vực.
Đồng Tháp đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, các chương trình kết nối cung cầu, liên kết tiêu thụ hàng hóa nhằm kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất với các hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối trong cả nước như: hệ thống siêu thị Saigon Co.op, siêu thị Tứ Sơn và các hệ thống phân phối lớn khác như: BigC, Metro, Lotte, Aeon, Vinmart.... Ngoài ra, tỉnh đã liên kết với tỉnh An Giang đưa các sản phẩm của tỉnh vào hệ thống siêu thị Tứ Sơn; đã thành lập được 3 trung tâm phân phối hàng hóa đặc sản của tỉnh giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế (Trung tâm giới thiệu và trực tiếp tổ chức thương mại sản phẩm OCOP tại TP Hà Nội; Khu gian hàng đặc sản Đồng Tháp tại TP Hồ Chí Minh; Trung tâm Giới thiệu ẩm thực - đặc sản - du lịch Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL tại Khu Du lịch và Nghỉ dưỡng cao cấp Grand World (Phú Quốc - Kiên Giang).
Để giải quyết “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông thành “động lực” phát triển cho vùng ĐBSCL, các địa phương trong vùng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện hoàn chỉnh các trục giao thông trọng điểm, đặc biệt là khởi công xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc kết nối như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giúp kết nối liên vùng giữa các địa phương vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các địa phương trong vùng, giảm chi phí lưu thông hàng hóa. Đồng Tháp đã tích cực cung ứng đầy đủ khối lượng vật liệu xây dựng (cát san lấp) phục vụ xây dựng các công trình cao tốc trong vùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng tích cực kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương các vấn đề chung của vùng, vận động các đối tác phát triển và các nhà tài trợ xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư các dự án liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, hạ tầng giao thông giữa Đồng Tháp và các địa phương lân cận ngày càng hoàn thiện và kết nối thuận lợi.
Đồng Tháp đã ký kết và tích cực triển khai các thỏa thuận hợp tác với các địa phương trong vùng trong lĩnh vực phát triển du lịch như: liên kết phát triển du lịch cụm phía Đông vùng ĐBSCL (Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang); liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL; liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp); liên kết phát triển văn hoá - du lịch Đồng Tháp - An Giang. Qua đó, giúp tỉnh tổ chức thành công chuỗi sự kiện văn hóa - du lịch với quy mô cấp tỉnh, cấp khu vực. Ngành du lịch tăng trưởng khả quan, ước tính cả năm 2023 thu hút 4 triệu lượt khách, tăng 13,6% so với năm 2022, bằng 105,26% kế hoạch (vượt kế hoạch 200.000 lượt khách); tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 14,15% so với năm 2022, đạt 105,55% kế hoạch (vượt kế hoạch 100 tỷ đồng)...
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 57/NQ-CP và hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn chiến lược và chủ trương phát triển “thuận thiên” đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL, được người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia hưởng ứng, đồng thời huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Qua đó, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, tăng cường liên kết các chủ thể trong nền kinh tế để nâng cao chuỗi giá trị, tạo chỗ đứng cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường thế giới; sửa đổi chính sách, tháo gỡ các nút thắt nhằm tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư; ban hành khung hành động đổi mới cơ chế, chính sách đối với vùng ĐBSCL làm căn cứ để thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.
TN