Đồng Tháp luôn cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

Cập nhật ngày: 02/01/2024 05:53:59

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240102055545DT4-2.mp3

 

(Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bên phải) thăm hỏi, chia sẻ thông tin với nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư Nhà máy One One Miền Nam và Nhà máy Thiên Hà KAMEDA tại xã Trường Xuân, Huyện Tháp Mười, ngày 28/11/2023

PV: Xin ông cho biết kết quả thu hút các dự án (DA) có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh?

Ông Trương Hòa Châu: Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp có 29 DA có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.033 tỷ đồng, tương đương 320,6 triệu USD. Trong đó, có 12 DA đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, 17 DA đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế. Tính từ năm 2020-2023, tỉnh thu hút được 10 DA có vốn FDI, với tổng vốn đăng ký 2.618 tỷ đồng, tương đương 114 triệu USD. Riêng năm 2023, tỉnh thu hút 4 DA FDI với tổng số đăng ký 602 tỷ đồng, tương đương 25,6 triệu USD.

Về lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư FDI, đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kế đến là hoạt động kinh doanh bất động sản và nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Ngoài ra, cũng có các ngành về thông tin và truyền thông; cấp nước và xử lý chất thải; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có nhà đầu tư FDI quan tâm đầu tư, mở rộng DA, góp vốn mua cổ phần.

Về đối tác đầu tư, hiện nay có hơn 10 quốc gia có các nhà đầu tư FDI đang thực hiện DA đầu tư tại Đồng Tháp. Trong đó, Trung Quốc (Đài Loan và Hồng Kông) dẫn đầu, kế đến là Singapore và Hàn Quốc. Các đối tác còn lại đến từ Australia, Cộng hòa Liên bang Đức, Ấn độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Tây Ban Nha, Pháp, Samoa.

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư DA vào địa bàn của 9 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, về số lượng DA thì TP Sa Đéc dẫn đầu với 11 DA, chủ yếu trong Khu công nghiệp Sa Đéc, kế đến là TP Cao Lãnh với 5 DA, huyện Lai Vung và huyện Châu Thành có 3 DA/địa bàn, huyện Cao Lãnh và huyện Thanh Bình có 2 DA/địa bàn, còn lại TP Hồng Ngự và huyện Tháp Mười, huyện Tam Nông thu hút được 1 DA/địa bàn.

Điểm nhấn trong năm 2023 là được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, vào tháng 6, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư Đồng Tháp - Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp tổ chức xúc tiến đầu tư chuyên biệt với một quốc gia, đón trên 130 doanh nghiệp (DN) Ấn Độ về tham dự các hoạt động giao lưu, kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch và công nghệ thông tin. Đây cũng là thế mạnh của tỉnh, mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mà 2 bên cùng quan tâm. Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, tạo điều kiện để các DN Nhật Bản và DN Đồng Tháp gặp gỡ, kết nối giao thương, được sự quan tâm, hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, ngày 29/11/2023, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và DN Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và đã thành công tốt đẹp.


Đoàn doanh nghiệp Ấn Độ đến thăm và làm việc tại Cụm công nghiệp Vàm Cống dịp Hội nghị hợp tác thương mại và đầu tư Đồng Tháp - Ấn Độ

PV: Tỉnh Đồng Tháp có những chính sách gì để thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Ông Trương Hòa Châu: Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực và có nhiều nhà đầu tư đến làm việc, trao đổi, tìm hiểu về cơ hội đầu tư như: Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, Công ty Emivest Feedmill Việt Nam, Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Cần Thơ), Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO), OCEAN Group, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masterise, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Khu Công nghiệp Phát Đạt, Công ty CP Tập đoàn Gia Định, Công ty CP Đầu tư Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Tập đoàn Everland, Công ty CP Tập đoàn Gilimex, Công ty CP Đồ hộp Ha Long, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV...

Chính sách ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư FDI được tỉnh thực hiện theo quy định. Cụ thể, ưu đãi miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật như: về thuế thu nhập DN; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối tượng ưu đãi là các DA đầu tư thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư hoặc DA đầu tư thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Ngoài ra, căn cứ quy định của Trung ương về ưu đãi đầu tư, tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư như: Nghị quyết số 231/2019/NQ-HĐND ngày 2/4/2019 của HĐND tỉnh về chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND ngày 8/4/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định, tỉnh tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Tỉnh cũng triển khai hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho DN, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc, phục hồi trên hầu hết lĩnh vực.

PV: Những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã đem đến cho DN những thuận lợi gì?

Ông Trương Hòa Châu: Có thể nói, các DN trên địa bàn tỉnh đều được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã giúp DN có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; được nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại mà trong nước chưa sản xuất được và được giảm một phần chi phí khi nhập khẩu máy móc, thiết bị để thực hiện DA. Các DN FDI thực hiện đảm bảo các nghĩa vụ về thuế, về bảo vệ môi trường, tham gia bảo hiểm xã hội tương đối đầy đủ, giải quyết tốt nhu cầu việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, cùng với địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Đa phần các DN FDI triển khai đúng tiến độ thực hiện DA đầu tư như trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Nhất quán chủ trương đồng hành cùng DN, tỉnh đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để DN quan tâm có thể nhanh chóng triển khai DA. Hiện tại, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, Khu Kinh tế cửa khẩu Thường Phước và Dinh Bà đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công DA. Mạng lưới giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được Chính phủ quan tâm đầu tư, hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm. Tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã chính thức khởi công, khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp, tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa của các DN trong vùng. Ngoài ra, Đồng Tháp còn có hệ thống giao thông thủy, với 2 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra biển Đông và Campuchia.

PV: Những giải pháp chủ yếu của tỉnh để tiếp tục thu hút vốn FDI trong thời gian tới?

Ông Trương Hòa Châu: UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 4/7/2023 thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030. Qua đó, tỉnh đã đề ra chỉ tiêu thu hút DA có vốn FDI giai đoạn 2021 - 2025 là 8 DA, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2030, thu hút 20 DA, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tỉnh đề ra 3 nhóm giải pháp chính để tập trung nhằm thực hiện đạt mục tiêu cũng như các chỉ tiêu của kế hoạch đề ra. Theo đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính gồm: giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra về đầu tư; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xúc tiến đầu tư và thương mại, công tác thẩm định các DA đầu tư nuớc ngoài. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, nước sạch, thủy lợi, giáo dục, y tế. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xúc tiến đầu tư, gồm: đa dạng hóa các phương thức xúc tiến; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, tiến hành các hoạt động đầu tư; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế - xã hội, quy hoạch, định hướng đầu tư cho các nhà đầu tư, ban hành danh mục các DA kêu gọi đầu tư, trong đó có danh mục thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Trong quá trình triển khai kế hoạch, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tham mưu tỉnh xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ địa phương, phù hợp với tình hình thực tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với UBND huyện, thành phố và các sở, ban, ngành liên quan rà soát, tổng hợp lại danh mục DA kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành tài liệu, ấn phẩm xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các nội dung về lĩnh vực hợp tác đầu tư; thông tin giới thiệu về môi trường đầu tư của địa phương cũng như các đầu mối liên hệ, địa chỉ các dịch vụ tiện ích của tỉnh đã được thể hiện cụ thể tại tài liệu, ấn phẩm này. Đây là tài liệu, ấn phẩm phục vụ các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn