Định hướng phát triển 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực đến năm 2025
Cập nhật ngày: 03/01/2024 13:19:49
ĐTO - Đến năm 2025, Đồng Tháp đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,5%/năm, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,5%/năm. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh tập trung hỗ trợ các ngành hàng nông nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển.
Đến nay, diện tích xoài trên địa bàn tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc là 51ha
Theo đó, với định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành xuất khẩu chủ lực Quốc gia theo hướng bền vững, Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất.
Ngành hàng xoài, đến nay, đã xác lập mã số vùng trồng cho 297 vùng trồng xoài với diện tích 9.150ha; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử và chứng nhận sản phẩm xoài đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp 3 giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 46ha; hiện diện tích thực hiện truy xuất nguồn gốc là 51ha.
Tỉnh tập trung phát triển ngành hoa, kiểng trở thành ngành hàng chiến lược, được tổ chức sản xuất theo hướng giá trị cao, đa dạng chủng loại theo thị hiếu người dùng, kết nối sản xuất với thị trường, doanh nghiệp, kết hợp phát triển du lịch. Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cung ứng cho người dân sản xuất hoa, kiểng trong và ngoài tỉnh với số lượng 206 ngàn cây giống nuôi cấy mô. Ngoài ra, có doanh nghiệp đang thực hiện kết nối liên kết tiêu thụ hoa, kiểng với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán tiêu thụ ngành hàng hoa, kiểng tại TP Sa Đéc.
Đối với ngành hàng cá tra, tỉnh chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm giá trị gia tăng gắn phát triển sản phẩm OCOP địa phương phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu quả sản xuất ngành hàng cá tra. Thời gian qua, tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại hóa; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nuôi cá tra để nâng cao giá trị cá tra nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngành hàng sen là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh, với mục tiêu đến năm 2025 đạt quy mô 1.400ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn. Hiện nay, sen Đồng Tháp được trồng chủ yếu để lấy hạt, thu hoạch đều trong năm, chất lượng tốt, nhờ vào lợi thế thổ nhưỡng và khí hậu. Cây sen được chế biến thành nhiều sản phẩm hướng đến khai thác toàn bộ các bộ phận của sen như: hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, hạt sen đóng lon, trà hoa sen, trà lá sen, sản phẩm mỹ phẩm từ sen, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sen...
MN