Nâng tầm giá trị ngành hàng hoa, kiểng
Cập nhật ngày: 04/01/2024 05:29:10
ĐTO - Những năm gần đây, tỉnh Đồng Tháp tập trung sản xuất các loại hoa, cây kiểng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trong chuyến thăm khu sản xuất hoa, kiểng của Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tình Đồng Tháp
Ngành hàng hoa, kiểng phát huy vai trò chủ lực
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp chọn ngành hàng hoa, kiểng là 1 trong 5 ngành hàng đóng vai trò chủ lực, tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển bền vững. Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng đạt trên 6.100 tỷ đồng, với diện tích trên 3.000ha, tăng hơn 4 lần so với trước đây.
Trong canh tác hoa, kiểng, nhà nông đã ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong lai tạo, thuần dưỡng, chuyển giao giống mới, áp dụng kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm hoa, kiểng. Hoa, kiểng còn phát huy đa giá trị khi khai thác yếu tố văn hóa kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình homestay...
Du khách đến tham quan, chụp ảnh tại Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ 1 năm 2023
Dù có nhiều điểm nổi bật, ngành hàng hoa, kiểng vẫn còn đan xen những khó khăn, bất cập trong chuỗi giá trị. Cụ thể, diện tích sản xuất hoa, kiểng thiếu vùng tập trung quy mô lớn hướng đến tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu; công tác giống và quy trình canh tác còn hạn chế nhất định, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giống chất lượng, chưa làm chủ công nghệ nghiên cứu, lai tạo nhiều giống hoa mới phù hợp đặc điểm tự nhiên và mang nét đặc sắc địa phương; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu phát triển về giống, quy trình thương mại hóa mang tính cạnh tranh còn hạn chế...
Tại hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa, kiểng tỉnh Đồng Tháp” do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia đến từ các viện, trường, trung tâm có nhiều đánh giá về tiềm năng phát triển ngành hoa, kiểng. GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định về nguồn nhân lực của tỉnh trong thực hiện phát triển ngành hàng hoa, kiểng. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đang gặp khó trong việc phân công lại ngành nghề nên những ngành nghề liên quan đến nông nghiệp (trong đó có hoa, kiểng) ngày càng giảm. Số lao động ít, đồng thời lao động có kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất hoa, kiểng không nhiều và đa phần đã cao tuổi. Trong khi nguồn nhân lực thiếu về số lượng và chưa tốt về chất lượng thì ngành hoa, kiểng là ngành đặc thù lại rất cần nguồn nhân lực vừa có kiến thức, vừa có tay nghề cao...
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu hoa, cây kiểng phải đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của các loài sinh vật gây hại nguy cơ tác động đến sản xuất nông nghiệp tại nước nhập khẩu. Các thị trường đều đưa ra yêu cầu đối với cây nếu trồng trong chậu hoặc bầu thì phải bảo đảm không chứa đất, cát hay vật liệu từ vùng có loài sinh vật gây hại mà nước nhập khẩu quan tâm. Hoa và cây kiểng xuất khẩu phải được kiểm dịch bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu...
Bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết: “Trong những năm qua, thành phố không ngừng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, thực hiện nhiều dự án nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh đó, tư duy của người dân làng hoa từ đơn thuần trồng hoa, kiểng để bán, đã chuyển dịch thành trồng hoa, kiểng kết hợp với dịch vụ du lịch trải nghiệm, xây dựng các điểm check-in thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện thời điểm nào Sa Đéc cũng có sản phẩm hoa, kiểng để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm...”.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp đánh giá: “Thời gian qua, để nâng cao giá trị ngành hoa, kiểng, tỉnh đã tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết và thị trường, từng bước xây dựng và hoàn thiện hơn chuỗi sản xuất hoa, kiểng phát triển trên phạm vi cả nước. Trong canh tác hoa kiểng, đã ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong lai tạo, thuần dưỡng, chuyển giao giống mới, áp dụng kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới, kỹ thuật tưới tiết kiệm để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm hoa kiểng...”.
Nông dân Sa Đéc tích cực tìm kiếm nhiều giống hoa, kiểng mới phục vụ thị trường
Định hướng phát triển ngành hàng hoa, kiểng
Để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa, kiểng, thời gian tới, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Tỉnh cần có sự hợp tác với các bộ, ngành liên quan trong việc lên kế hoạch và phát triển đào tạo nghề cho ngành nông nghiệp. Trong đó, đào tạo nhân lực ngành hoa, kiểng cần quan tâm đến đặc thù; tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong các khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động; chủ động hoàn thiện nội dung giáo trình, bài giảng, đảm bảo chất lượng dạy và học phù hợp. Cùng với đó, xây dựng nội dung chương trình học cần có sự bắt nhịp với những thay đổi trong thực tiễn; xem xét xây dựng mục tiêu nâng cao năng lực quản lý và ứng phó đối với rủi ro liên quan trong sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng để hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất...”.
Theo bà Mai Hồng - Điều phối viên Hiệp hội Nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam, để thực hiện tốt nội dung ghi nhớ đã ký trong hợp tác nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh hoa, kiểng dài hạn cho tỉnh Đồng Tháp, đơn vị sẽ hỗ trợ xây dựng các chương trình nghiên cứu, chọn tạo giống cây kiểng phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chọn tạo giống cây kiểng, tăng cường đào tạo, tập huấn cho người sản xuất về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống hoa, cây kiểng để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa, cây kiểng...”.
Để giúp nông dân ứng dụng chuyển đổi số, Sở Công Thương hỗ trợ chương trình livestream bán hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoa, kiểng
Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: “Trong thời gian tới, đơn vị có nhiều định hướng hợp tác phát triển ngành hoa, kiểng với tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, hợp tác cung cấp các loại giống hoa phong phú, đa dạng, có bản quyền; xúc tiến thương mại, giao thương lẫn nhau. Đồng thời triển khai nhiều chương trình hợp tác chia sẻ, tham gia xúc tiến thương mại các hoạt động sản xuất - tiêu thụ, nhập khẩu - xuất khẩu hoa, cây kiểng...”.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết thêm, tỉnh xác định đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng đạt 7.000 tỷ đồng; diện tích trồng hoa, kiểng toàn tỉnh đạt trên 3.500ha. Tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp đột phá, cách làm sáng tạo nhằm giúp chuẩn hóa, nâng cao giá trị ngành hàng hoa kiểng, nhất là giúp hoa, kiểng Đồng Tháp tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng và tăng cường hợp tác quốc tế...”.
KHÁNH PHAN