Ban nông nghiệp góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn
Cập nhật ngày: 25/06/2012 14:19:33
Thực hiện Quyết định số 1682 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổ chức Ban nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã, phường, thị trấn, cuối năm 2010, toàn tỉnh có 136 xã, phường, thị trấn thành lập Ban nông nghiệp, đạt tỷ lệ 100%, với tổng số 411 nhân viên kỹ thuật, gồm các lĩnh vực: bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông, trong đó có 21 cán bộ có trình độ đại học, 34 cao đẳng, 231 Trung cấp, 17 sơ cấp, chưa có bằng cấp là 108 người.
Mô hình nuôi tôm ở Tam Nông mang lại hiệu quả cao
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, qua 2 năm hoạt động, Ban nông nghiệp đã thực hiện tốt chức năng tổ chức, hướng dẫn thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản; tuyên truyền, chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất, huy động lực lượng và đạt được kết quả trên các lĩnh vực; tham gia triển khai xây dựng mô hình quản lý dịch hại, theo dõi tình hình sâu hại kết hợp với điều tra đồng ruộng; phối hợp với các công ty thuốc làm khảo nghiệm, đánh giá hiệu lực của các loại thuốc bảo vệ thực vật đối với các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng giúp cho sản phẩm thu hoạch sạch, ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế chi phí cho người dân.
Trong 2 năm, Ban Nông nghiệp phối hợp ngành chuyên môn tổ chức 312 lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 9360 lượt người tham gia, xây dựng 41 mô hình trình diễn về áp dụng cơ giới hoá đưa máy gặt đập liên hợp, chuyển đổi cơ cấu giống lúa, giống cây trồng, giống vật nuôi, gia súc, gia cầm, thủy sản, ... Nhiều huyện có mô hình tốt như: mô hình chăn nuôi vịt, gà ở huyện Cao Lãnh; mô hình lúa ở huyện Tam Nông, Tháp Mười; mô hình cá lóc ở huyện Lấp Vò; mô hình tôm càng xanh ở huyện Tam Nông; mô hình khoai ở huyện Châu Thành, Tân Hồng; mô hình xoài ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.
Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc gia cầm, Ban nông nghiệp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chăn nuôi tập trung, tổ chức tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại đúng quy trình nên trong những năm qua trong tỉnh không có ổ dịch bệnh lớn, hàng năm duy trì tiêm phòng đảm bảo cho đàn lợn, đàn trâu bò, đàn gia cầm đạt kế hoạch đề ra.
Từ các hoạt động trên, Ban nông nghiệp đã đóng góp rất lớn cho hoạt động của ngành Nông nghiệp địa phương, phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân, tham mưu với cấp ủy và phối hợp cùng đoàn thể trong công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai và phát triển ngành nghề nông thôn tại địa phương.
Tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn tham gia các chương trình, các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới như: mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại; mô hình nhân nuôi nấm xanh phòng trừ rầy nâu, sâu cuốn lá trên lúa; phòng chống cúm gia cầm; mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; mô hình phòng trừ hiện tượng chổi rồng trên nhãn; mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn bền vững trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... theo GAP, đã góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 30,5%, tăng 1,3 lần so với năm 2010, kim ngạch xuất khẩu năm 2011 về thủy sản đạt 390 triệu USD, gạo đạt 133 triệu USD và tích cực đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Anh Quân