Biến đổi khí hậu và đời sống của nông dân
Cập nhật ngày: 28/03/2016 05:55:32
Xâm nhập mặn, khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long đang là vấn đề quan tâm từ Trung ương, là một trong những nội dung hàng đầu của truyền thông.
Đồng Tháp chưa bị xâm nhập mặn, khô hạn chưa đến mức nghiêm trọng như ở các tỉnh ven biển.
Nhưng hậu quả của biến đổi khí hậu, khô hạn đã và đang hiện hữu trên địa bàn.
Do khô hạn, lượng nước sông giảm, các trạm bơm phải nối thêm ống bơm, tăng thời gian bơm nước, theo đó, tiền điện tăng, chi phí cho nhân viên vận hành tăng, khấu hao tăng và thủy lợi phí của nông dân tăng. Lợi nhuận của hợp tác xã, nông dân giảm.
Không ít người bị cảm sốt, trúng nắng, phải đi bác sĩ do chênh lệch nhiệt độ hơn 15 độ C giữa ban ngày và ban đêm.
Người dân tỉnh ta nói riêng đã thoát đói sau khi tập trung sản xuất lúa, từ một vụ lên 2, 3 vụ với những giống ngắn ngày, cao sản và đã có lúa xuất khẩu. Nhưng đầu ra hạt lúa một nắng hai sương của nông dân ta đang phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia. Nay thêm khô hạn, giá thành sản xuất tăng lên; thu nhập, cuộc sống của người sản xuất lúa giảm không còn là dự báo.
Tuy nhiên, chuyện xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, thiếu nước ngọt đối với nhiều người ở địa phương ta là chuyện xa lạ, thậm chí xa lạ đối với không ít lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở, bởi nước vẫn còn dồi dào, dù có xuống thấp hơn so với trước đây.
Biến đổi khí hậu, khô hạn đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và sức khỏe của người dân. Cần tìm hướng ra, bắt đầu từ thực tế, từ nông dân, cấp ủy, chính quyền cơ sở, từ định hướng của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng hiệu quả sản xuất, phù hợp địa phương và nhu cầu thị trường.
Hữu Ý