Bún tươi Tú Trinh - tạo lối đi riêng bằng chất lượng và thương hiệu
Cập nhật ngày: 22/10/2020 05:47:57
ĐTO - Đã qua nhiều năm nhưng có lẽ người tiêu dùng vẫn chưa thể quên vụ việc bún bị nhiễm chất tẩy trắng tinopan hồi năm 2013. Sự cố này không những để lại dư chấn không đẹp về sản phẩm bún truyền thống trong mắt người tiêu dùng mà nó còn khiến cho nhiều cơ sở sản xuất bún chân chính phải lâm vào tình cảnh khốn đốn. Mặc dù đứng trước biến cố của nghề, song một doanh nghiệp (DN) sản xuất bún ở huyện Hồng Ngự đã mạnh dạn tạo lối đi riêng cho mình bằng việc đầu tư chuyên nghiệp hóa cho sản phẩm, giúp cho DN có được niềm tin của người tiêu dùng và từng bước mở rộng thị trường.
Sản xuất bún tươi tại Doanh nghiệp tư nhân Bùi Thanh Tú
Bứt phá sau xì-căng-đan ngành bún
Hơn 30 năm trước, vợ chồng anh Bùi Thanh Tú và chị Phan Thị Trinh quyết định chọn nghề làm bún truyền thống của gia đình để phát triển kinh tế. Mặc dù được thừa hưởng kỹ thuật làm bún từ gia đình, song cũng như nhiều hộ sản xuất bún khác ở xóm bún Hàng Gòn, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, công việc làm bún của gia đình anh Tú và chị Trinh chủ yếu được thực hiện theo phương thức thủ công là chính nên năng xuất mỗi ngày không được nhiều. Nhờ chịu khó nghiên cứu và quyết tâm đeo đuổi mục tiêu ưu tiên chất lượng nên sản phẩm bún của lò bún Tú Trinh dần dần được nhiều bạn hàng biết tới và đến đặt hàng ngày càng nhiều. Từ việc chỉ sản xuất vài chục ký bún mỗi ngày và bán ở địa phương, dần dần sản phẩm của lò bún Tú Trinh mở rộng thị trường ở nhiều huyện, thị, thành trong và ngoài tỉnh. Nhờ “tiếng lành đồn xa” nên mối đặt hàng ngày một nhiều, có những thời điểm lò bún Tú Trinh sản xuất đến 1,5 – 1,6 tấn/ngày vẫn không đủ cung cấp cho bạn hàng.
Tuy nhiên, một biến cố lớn đã đến với nghề làm bún truyền thống là nhiều sản phẩm bún tại các chợ truyền thống bị nhiễm một loại hóa chất dùng trong công nghiệp là chất tinopal. Do đặc tính tẩy trắng nên một vài hộ sản xuất bún đã sử dụng hóa chất này để tẩy trắng cho bún, làm cho sợi bún sáng, đẹp và có thể để lâu hơn. Mặc dù chỉ có vài cơ sở sản xuất vi phạm, song trong một thời gian dài nhiều người tiêu dùng tỏ ra nghi ngại với hầu hết sản phẩm được sản xuất từ bột gạo như: bún, bánh phở, bánh canh, bánh hỏi... Sự cố này cũng làm cho nhiều cơ sở sản xuất bún, hủ tiếu, bánh phở điêu đứng.
Không thoát khỏi tình cảnh khó khăn chung, lò bún Tú Trinh cũng bị mất nhiều đơn đặt hàng và sản lượng giảm trầm trọng. Song, thay vì âu lo cho số phận của ngành bún thì anh Tú và chị Trinh phân tích tình hình và bàn “kế sách” ứng phó. Chị Phan Thị Trinh - chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Bùi Thanh Tú (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) nhớ lại: “Đã gắn bó với nghề bún hơn 30 năm, khó khăn nào vợ chồng tôi cũng từng trải qua rồi. Vụ việc bê bối của ngành bún không thể khiến chúng tôi bỏ cuộc được. Sau khi rà soát lại tình hình lúc đó, vợ chồng tôi hiểu rõ, lý do mình bị vạ lây dù sản phẩm bún mình chất lượng là vì sản phẩm của mình chưa có nhãn hiệu, bao bì đàng hoàng. Do không có bao bì, nhãn mác nên khi bún Tú Trinh ra tới chợ thì cũng giống như bún của những lò khác, người tiêu dùng không tài nào mà phân biệt được. Từ những trăn trở đó, vợ chồng tôi mới đi đến quyết định làm nhãn hiệu riêng cho sản phẩm bún truyền thống của gia đình, lấy thương hiệu là “Bún Tươi Tú Trinh”.
Chinh phục người tiêu dùng không chỉ bằng nhãn hiệu
Sau thời gian củng cố lại quy trình sản xuất bún, năm 2018, sản phẩm mang nhãn hiệu “Bún Tươi Tú Trinh” chính thức ra mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, “Bún Tươi Tú Trinh” lại không nhận được sự đánh giá tích cực từ hệ thống bạn hàng thân quen. Chị Phan Thị Trinh chia sẻ: “Trước đây, khi chưa làm nhãn mác, thương hiệu thì bạn hàng thoải mái ấn định về xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm bún của lò mình. Nhưng khi có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng thì chuyện làm giả xuất xứ là điều không thể nên ban đầu nhiều bạn hàng không thích lấy bún có nhãn mác từ lò bún của mình. Thời điểm đó, có gần 50% mối quen bỏ mình mà đi chỉ vì bún có nhãn hiệu”.
Không bỏ cuộc, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm “Bún Tươi Tú Trinh” nhiều hơn, gia đình anh Tú thực hiện một chiến dịch quảng bá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, chính là mang sản phẩm bún của mình đến trực tiếp người tiêu dùng thông qua việc tặng bún cho các bếp ăn từ thiện ở các chùa, bệnh viện. Nhờ chất lượng bún ổn định và có nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng và người tiêu dùng ngày càng quan tâm, ưu tiêu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên dần dần bạn hàng các nơi bắt đầu tìm đến DN để đặt hàng.
Hiện tại, ngoài sản phẩm bún tươi, DN Bùi Thanh Tú còn cung cấp cho thị trường các nhóm sản phẩm tươi, ăn liền được chế biến từ bột gạo như: bánh phở, bánh canh, bánh hỏi. Trung bình mỗi ngày, DN cung ứng cho thị trường khoảng trên 6 tấn sản phẩm tươi các loại. Với dây chuyền sản xuất khép kín và hiện đại từ khâu đầu vào cho đến đầu ra nên sản phẩm bún tươi của DN Bùi Thanh Tú có được chất lượng ổn định và hạn sử dụng dài hơn so với sản phẩm bún truyền thống cùng loại trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Lan, một người tiêu dùng ở Phường 2, TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Tình cờ được một người bạn ở Hồng Ngự tặng sản phẩm Bún Tươi Tú Trinh, kể từ đó gia đình tôi bắt đầu chuyển dần sang sử dụng sản phẩm bún này. Khác với bún bán ngoài chợ, sợi bún này xốp, trắng tự nhiên, đặc biệt được đóng gói cẩn thận nên mua cho gia đình ăn, tôi rất yên tâm”.
Nhằm tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng, các sản phẩm bún, bánh canh, bánh hỏi của DNTN Bùi Thanh Tú được đóng gói với nhiều kích cỡ và trọng lượng khác nhau. Ngoài ra, hướng đến sự tiện dụng nhiều hơn cho người tiêu dùng, DN này cũng dự kiến ra mắt người tiêu dùng dòng sản phẩm bún khô. DN kỳ vọng đây sẽ là giải pháp giúp sản phẩm bún truyền thống tăng khả năng cạnh tranh, đưa sản phẩm bún phát triển thị trường xa hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hồng Ngự nhận định: “Với hướng phát triển như hiện nay, các dòng sản phẩm của DNTN Bùi Thanh Tú đang đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của người tiêu dùng. Vừa qua, sản phẩm bún tươi của DNTN Bùi Thanh Tú được huyện bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của địa phương năm 2020. Thời gian qua, địa phương luôn đồng hành và có những hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, giúp DN hoàn thiện một số hồ sơ và chứng nhận để sản phẩm có thể được kết nối và tiêu thụ rộng rãi hơn ở các kênh phân phối chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, để sản phẩm được tiếp cận với thị trường nhiều hơn, địa phương cũng hỗ trợ DN tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm và kết nối với một số đơn vị siêu thị”.
Mỹ Lý