Chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp nông thôn
Cập nhật ngày: 19/10/2020 05:31:27
ĐTO - Tại hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn” do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đạt được nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian qua, nông nghiệp sẽ là lĩnh vực đầu tiên mà địa phương ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Nối tiếp lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi sang chính quyền số và nền kinh tế số.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (bìa phải) giới thiệu máy đếm tôm thông minh đến các đại biểu
Tại hội thảo, lãnh đạo các địa phương cùng nông dân ở các Hội quán được các doanh nghiệp công nghệ giới thiệu một số ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp như: sử dụng máy bay không người lái để phun xịt thuốc và kiểm soát dịch hại trên cây trồng; áp dụng hệ thống tưới thông minh trong sản xuất nông nghiệp; áp dụng và khai thác hiệu quả sàn thương mại điện tử đối với các hộ gia đình; áp dụng công nghệ đóng gói khí cải tiến, màng và khay đa lớp cản khí cao nhằm giúp tăng thời gian bảo quản sản phẩm nông nghiệp, máy đóng gói với khí cải tiến, máy in truy xuất nguồn gốc, thiết bị thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tôm...
Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp đã ứng dụng một số công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu có chất lượng.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Tháp đã triển khai ứng dụng phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS trong báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi; ứng dụng phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ làm cơ sở để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh. Thực hiện chương trình nâng cao chất lượng con giống cá tra, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 13 cơ sở sản xuất giống cá tra tiếp nhận đàn cá tra hậu bị cải thiện di truyền từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 với số lượng 21.610 con có gắn (chip) quản lý. Đến nay đàn cá tra này đã sản xuất gần 30 tỷ cá bột cung cấp ra thị trường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quảng bá nông sản qua mô hình kinh doanh “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi” đã giúp nông dân tiếp cận hiệu quả với nhiều phân khúc khách hàng mới, giúp gia tăng giá trị cây ăn trái. Trong xây dựng nông thôn mới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt thực hiện đề tài “Làng thông minh từ mô hình Hội quán nông dân tại Đồng Tháp” triển khai tại xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh...
Những kết quả bước đầu của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, song chưa nhiều, việc thích ứng với kinh tế số để vận dụng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay vẫn còn là thách thức. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế; ứng dụng chuyển đổi số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số...
Mỹ Lý