Huyện Tháp Mười - hành trình đạt chuẩn nông thôn mới
Cập nhật ngày: 17/10/2020 05:41:23
ĐTO - Đến với huyện Tháp Mười hôm nay để cảm nhận những đổi thay từ không gian nhộn nhịp của phố thị, những con đường nhựa, bê tông thông thoáng, những cánh đồng lúa, đồng sen, vườn cây trái bạt ngàn. Ở nông thôn, nhiều căn nhà tường khang trang, những chiếc cầu nối liền những con kênh nơi xóm nhỏ. Hình ảnh đổi thay đó là thành quả của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tháp Mười trong hành trình quyết tâm xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lê Minh Hoan – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (bìa trái) trao Quyết định công nhận Tháp Mười đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019
Hành trình xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 02-NQ/HU về xây dựng huyện Tháp Mười đạt chuẩn NTM đến năm 2020. Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy quan tâm chỉ đạo, sự tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt của UBND huyện, các ngành, các xã và sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân. Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Hệ thống chính trị được kiện toàn; phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới, đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới. Công tác dân vận, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến tích cực đã huy động được sức mạnh của cộng đồng dân cư trong thực hiện các chủ trương tham gia xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.
Cấp ủy đảng, chính quyền của huyện Tháp Mười đã linh hoạt, chủ động thực hiện đa dạng nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2011 - 2019, huyện đã huy động được 13.397,540 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn từ: ngân sách Trung ương, tỉnh; huyện; lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; tín dụng; doanh nghiệp đóng góp. Đặc biệt, trong đó Nhân dân đóng góp 1.010,487 tỷ đồng (gồm tiền, hiện vật, ngày công lao động và vốn cộng đồng dân cư tự đầu tư; hiến đất làm 95,2km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện, 98,3km đường trục ấp và liên ấp, 45,1km đường ngõ xóm sạch, 90,8km đường trục chính nội đồng)... Với sự định hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân Tháp Mười đã phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM như: hiến ngày công, hiến đất, cây cối hoa màu, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xã hội hóa hệ thống cầu đường, công tác vận động từ thiện làm cầu đường, nhà ở... Trong công tác huy động tài lực, nếu trừ nguồn vốn tín dụng do người dân tự đầu tư sản xuất hơn 10.000 tỷ đồng thì việc huy động sự đóng góp của cộng đồng chiếm khoảng 38%. Ông Phan Thanh Hồng ngụ ấp 1, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười cho biết: “Trước đây đường sá đi lại của người dân rất khó khăn, đa số là đường đất, nhưng giờ đã được đan, nhựa hóa, đi lại, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Bản thân gia đình tôi khi nghe địa phương làm đường cũng tự nguyện hiến đất để mở rộng tuyến đường cùng với địa phương thực hiện chương trình NTM...”.
Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, đến năm 2020, kinh tế của huyện Tháp Mười tiếp tục duy trì mức tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, thu hút các doanh nghiệp lớn đến huyện đầu tư hoạt động hiệu quả. Nông nghiệp phát triển theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ 4.0. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt những kết quả tốt; đời sống Nhân dân được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng chí Trần Thị Quý – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết: “Đạt được kết quả trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp xây dựng NTM. Bằng những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn của địa phương đã tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt là phát huy vai trò của chi bộ Đảng các ấp; vai trò của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; vai trò chủ thể của người dân nông thôn và sức mạnh của cộng đồng; sự hưởng ứng, đồng thuận, đoàn kết chung sức, chung lòng, tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện...”.
Phát huy những kết quả đã đạt được, cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân Tháp Mười tiếp tục hướng đến mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao; phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch; đô thị theo hướng văn minh, bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
HOÀNG AN