Kinh tế nông nghiệp Đồng Tháp phát triển theo chiều sâu

Cập nhật ngày: 17/10/2020 05:42:49

ĐTO - Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh đan xen giữa thời cơ và thách thức, giữa những thuận lợi và khó khăn không lường trước, nhưng nhờ sự phấn đấu vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua tiếp tục chuyển biến tích cực. Nổi bật trong bức tranh tăng trưởng kinh tế là nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu.


Cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%

Cụ thể, kinh tế nông nghiệp tăng trưởng bình quân hằng năm 3,57%, sản xuất nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến và Nhân dân tự quản được hình thành, nhân rộng, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của nông dân, chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “làm kinh tế nông nghiệp”.

Nhiều nông sản đạt tiêu chuẩn về chất lượng và chế biến gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh, nhất là Xoài Cao Lãnh đạt các quy chuẩn xuất khẩu tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, mở ra thêm nhiều cơ hội để phát triển thành ngành hàng mang tầm chiến lược. Ngành hàng hoa kiểng kết hợp với du lịch đạt kết quả tốt, nâng cao giá trị và ổn định vùng sản xuất với trên 2.900ha. Ngành hàng cá tra phát triển theo hướng sản xuất thâm canh, gắn kết với hơn 20 doanh nghiệp chế biến theo hướng đạt chuẩn BAP, GlobalGAP, ASC, VietGAP phục vụ xuất khẩu.

Đồng Tháp triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh” đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45,6 triệu đồng (bằng 83% GRDP bình quân đầu người). Cơ cấu nội ngành nông nghiệp được chuyển đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng những sản phẩm có giá trị (lúa, cá tra, trái cây, hoa kiểng, rau, củ, quả, sản phẩm chăn nuôi). Khuyến khích được nhiều cá nhân, tổ chức mạnh dạn thay đổi và áp dụng công nghệ vào sản xuất cũng như triển khai nhiều mô hình kinh tế giá trị cao, tạo ra nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch đạt 100%, kết hợp với chủ trương xả lũ cải tạo đất ruộng, giúp tăng năng suất lúa bình quân đạt 6,2 tấn/ha mỗi năm, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong nông nghiệp ngày càng gia tăng thông qua chuyển đổi canh tác lúa sang cây ăn trái, rau màu, thủy sản và triển khai các mô hình luân canh: “lúa - cá”, “lúa - tôm”, “lúa - sen”. Ứng dụng khoa học - công nghệ, giải pháp canh tác mới được chú trọng và mang tính khả thi tại các địa phương như: Ứng dụng hệ thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong trồng trọt và quản lý dịch tễ trong chăn nuôi; công nghệ tự động “1 chạm - 5 biết” kết hợp với sử dụng phân bón thông minh, bẫy đèn thông minh; mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái phục vụ canh tác lúa thông minh; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá - Aquaponisc; giải pháp cấy mô trên hoa kiểng, sản xuất rau màu trong nhà lưới. Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và áp dụng thương mại điện tử cho mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”...

Tỉnh chú trọng thúc đẩy “tinh thần hợp tác” trong nông dân, có 100 mô hình Hội quán hoạt động gắn với từng ngành hàng, ngành nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, đã có 22 hợp tác xã kiểu mới được hình thành từ nền tảng mô hình này. Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Đồng Tháp đã có 70 sản phẩm OCOP của 30 chủ thể đạt từ 3 - 4 sao. Đồng Tháp cũng là 1 trong 3 tỉnh đứng cầu cả nước có sản phẩm đạt OCOP (sau Quảng Ninh và Quảng Nam) và được chọn 3 mô hình để triển khai chỉ đạo điểm về OCOP (sản phẩm từ xoài huyện Cao Lãnh, sản phẩm từ sen huyện Tháp Mười và dự án phát triển Làng văn hóa du lịch Sa Đéc, TP.Sa Đéc)...

Có thể nói, những thắng lợi trong nông nghiệp thời gian qua là hành trang vững chắc cho Đồng Tháp bước vào nhiệm kỳ mới 2020-2025. Tuy nhiên, cùng với những thời cơ hiện có, thời gian tới, nền nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Để đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, quản trị tiên tiến; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn