Cá tra "bơi" theo đường nào?

Cập nhật ngày: 02/10/2013 04:16:08

Sản xuất - tiêu thụ cá tra là vấn đề được bàn thảo nhiều vài năm trở lại đây. Đây cũng là một trong những đề tài có tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khá dày đặc.

Là một trong những thế mạnh xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, cả nước nói chung; từng có thời kỳ "hoàng kim", song hiện trạng con cá tra đang đối mặt với nhiều thách thức.

Ngay sau hội nghị bàn về sản xuất - tiêu thụ cá tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã ký Thông báo số 18/TB-BCĐ-VP; trong đó đưa ra nhiều giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ khó khăn đối với sản xuất - tiêu thụ cá tra: Tập trung tổ chức lại thị trường xuất khẩu theo hướng giảm bớt đầu mối và nâng dần giá xuất khẩu, ổn định thị trường xuất khẩu truyền thống, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Trung Đông và Đông Âu. Tổ chức lại sản xuất, củng cố lại liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia chuỗi giá trị - đặc biệt là quyền lợi của người nuôi - để ổn định sản xuất và cùng phát triển; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi và chế biến nhằm nâng cao tỷ lệ sống trong các giai đoạn của giống; kiểm soát giá và chất lượng đầu tư "đầu vào" và giảm giá thành.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các địa phương rà soát lại đối tượng vay, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích; có giải pháp phù hợp để đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho sản xuất - tiêu thụ cá tra từ nay đến cuối năm; đồng thời khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về nuôi, chế biến và tiêu thụ cá tra, trình Chính phủ trong tháng 9/2013.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn được đưa ra trong bối cảnh nhiều nông dân ở các địa phương vùng ĐBSCL đã ngưng đầu tư nuôi cá tra. Nhiều nông dân ngưng nuôi trong khi không ít doanh nghiệp chế biến cá tra chưa đầu tư vùng nuôi nên tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cá tra đang diễn ra đối với nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tại vùng ĐBSCL. Điều đáng nói là tình trạng các nhà máy "đói" nguyên liệu cá tra diễn ra ở thời điểm nhu cầu "ăn hàng" tại các thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu lại tăng. Nông dân đầu tư nuôi - doanh nghiệp thu mua hạn chế - giá mua thấp - nông dân ngưng đầu tư nuôi - doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến... là vòng lẩn quẩn không phải chỉ đến năm nay mới diễn ra.

Bàn thảo nhiều, không ít giải pháp được đưa ra, song những động thái cụ thể (liên kết giữa doanh nghiệp - người nuôi, doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, giảm đầu mối xuất khẩu...) lại chưa được thực hiện hoặc thực thi chưa triệt để khiến con cá tra vùng ĐBSCL chưa thoát ra được khó khăn để phát triển bền vững...

Lê Như Giang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn