Các Nhóm, Tổ công đoàn thu hoạch nông sản - giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 04/04/2023 14:02:48

ĐTO - Thanh Bình là một trong những địa phương có diện tích hoa màu khá lớn trong tỉnh, với diện tích xuống giống khoảng 2.000ha/vụ. Trong đó, cây ớt chiếm hơn 30% diện tích nên vào mùa thu hoạch ớt chính vụ cần rất nhiều nhân công. Từ đó, nhiều địa phương trong huyện đã hình thành các Nhóm công đoàn thu hoạch nông sản, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.


Thành viên Nhóm công đoàn thu hoạch nông sản đang hái ớt

Trước đây, việc thu hoạch hoa màu, với diện tích lớn khiến nông dân không khỏi lo lắng, nhất là vào lúc chín vụ, phải đi khắp nơi để tìm thuê nhân công. Từ khi hình thành mô hình “Nhóm liên kết công đoàn thu hoạch nông sản”, nông dân canh tác ớt, hoa màu, cây ăn trái... không còn vất vả trong việc tìm thuê nhân công. Ông Nguyễn Thanh Liêm - nông dân trồng ớt ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết: “Từ ngày có các Tổ công đoàn, việc thu hoạch ớt của gia đình tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Bây giờ sản xuất diện tích lớn cũng không ngại, chỉ cần thông tin cho Tổ trưởng biết về nhu cầu của mình là tổ sẽ bố trí, sắp xếp người đến thu hoạch. Nhờ vậy, nông dân thuận lợi hơn khi giao hàng cho các chủ vựa, đảm bảo đúng thời gian thỏa thuận”.

Hiện toàn huyện Thanh Bình có hàng chục Nhóm công đoàn thu hoạch nông sản ở các xã cù lao Tây, An Phong, Tân Thạnh, với hơn 200 người tham gia. Mỗi nhóm từ có 7 - 15 người tham gia thu hoạch nông sản bán thời gian. Thông thường mỗi nhóm sẽ có 1 Tổ trưởng làm đầu mối để liên kết với các hộ nông dân trong vùng có nhu cầu sử dụng dịch vụ thu hoạch nông sản. Các thành viên sẽ được kết nối và phân công nhiệm vụ thông qua các nhóm Zalo, Facebook... Với cách làm linh hoạt này, các thành viên có việc làm hàng ngày, ít bị gián đoạn công việc và có thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Ngọc Tuyền - thành viên Nhóm công đoàn thu hoạch ớt tại xã Tân Bình, huyện Thanh Bình chia sẻ: “Trước đây, tôi không có việc làm thường xuyên, đặc biệt vào thời điểm nghịch mùa. Kể từ khi tham gia vào Nhóm công đoàn thu hoạch ớt, ngày nào vợ chồng tôi cũng có việc làm, thu nhập khá hơn trước rất nhiều. Mỗi ngày, vợ chồng tôi có thu nhập từ 200 ngàn - 400 ngàn đồng”.

Có thể nói, từ khi hình thành các Nhóm công đoàn thu hoạch nông sản, đặc biệt là Nhóm công đoàn thu hoạch ớt, bắp, rau, củ, quả, trái cây... nông dân sản xuất, canh tác hoa màu, vườn cây ăn trái ở các xã, thị trấn trong huyện giảm bớt được nhiều khó khăn, vất vả trong việc tìm nhân công. Cũng nhờ có các Nhóm công đoàn thu hoạch nên nhiều nông dân an tâm sản xuất, mở rộng diện tích canh tác hoa màu, cây ăn trái và mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Ra Đa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn