Các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển

Cập nhật ngày: 10/11/2022 09:54:44

ĐTO - Môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của địa phương và của Quốc gia. Với tầm quan trọng đó, tỉnh Đồng Tháp luôn xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên từ cấp tỉnh đến cơ sở.


Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (TP Cao Lãnh) tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại tại TP Hồ Chí Minh

Đến nay, tỉnh có 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 và năm thứ 8 liên tiếp nằm trong nhóm 3 của các tỉnh, thành phố “Có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước”. Tỉnh cũng tổ chức công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và địa phương thông qua Bộ chỉ số DDCI, kết quả từ năm 2018 đến nay, tổng điểm số trung vị ngày càng được cải thiện năm sau cao hơn năm trước, cho thấy doanh nghiệp ngày càng tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh Đồng Tháp. Các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã (HTX).

Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, số lượng DN thành lập mới ngày càng tăng. Nếu như năm 2003, số DN thành lập mới là 187 DN với tổng vốn 181 tỷ đồng, đến năm 2022 ước đạt 690 DN, với tổng vốn đăng ký 4.940 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so năm 2003. Tổng số DN đang hoạt động là 4.700 DN, gấp 6,5 lần so với năm 2003; dự án FDI đang hoạt động của tỉnh là 25 dự án. Tỷ trọng đóng góp GRDP của khu vực kinh tế tư nhân từ dưới 10% đã tăng lên hơn 23%.

Triển khai Đề án 929 của Chính phủ ngày 17/7/2012 về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có vốn Nhà nước; thu gọn sự tham gia của DNNN, tạo đà cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 11 DNNN, giảm 15 DNNN so với năm 2003.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, nhất là kể từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, tình hình phát triển HTX trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn các HTX kinh doanh có lãi, trích lập được các quỹ, trả lương cho bộ máy quản lý, bảo toàn được vốn sản xuất - kinh doanh; tỷ trọng đóng góp GRDP của khu vực kinh tế tập thể từ dưới 0,6% đã tăng lên hơn 1%. Số HTX đang hoạt động từ năm 2003 là hơn 40 HTX tăng lên hơn 200 HTX vào năm 2022.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn