Cần có cơ chế, chính sách đặc thù việc thí điểm liên kết phát triển kinh tế vùng Đồng Tháp Mười

Cập nhật ngày: 07/11/2016 10:52:39

ĐTO - Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã có bài phát biểu tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội và kiến nghị nhiều giải pháp về phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.

Với góc nhìn của tỉnh Đồng Tháp và vùng ĐBSCL, theo ông Phạm Văn Hòa, sự sụt giảm tăng trưởng của lĩnh vực nông nghiệp năm nay cho thấy những bất cập của nền nông nghiệp nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, thiếu sự liên kết, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Trong những năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương giải pháp tái cơ cấu, sắp xếp lại nền sản xuất nông nghiệp để giải quyết cái nghèo khó của ĐBSCL. Tuy nhiên cách làm như hiện tại mỗi nơi, mỗi kiểu thì cũng vẫn là một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, rời rạc, không đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập và không thể ứng phó nhanh với việc biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những cơ hội, thách thức như đã nêu. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải cơ cấu lại nền nông nghiệp trên cơ sở tăng cường liên kết vùng để nông nghiệp vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển bền vững, hiệu quả, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.

Với những nhận định trên, ông Phạm Văn Hòa kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo rà soát lại các quy hoạch tổng thể, các chiến lược để phát triển nền kinh tế của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên; phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của từng vùng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo và cho cơ chế chính sách đặc thù việc thí điểm liên kết phát triển kinh tế vùng Đồng Tháp Mười. Một là, hoàn thiện quy định của pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ưu tiên những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của vùng ĐBSCL; nghiên cứu xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước; chủ động hợp tác quốc tế trong việc sử dụng bền vững nguồn nước xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản. Đầu tư cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Đẩy nhanh ứng dụng các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi. Cốt lõi là ưu tiên cho giao thông huyết mạch liên vùng: đường bộ, đường thủy, hàng không và hệ thống các Cảng biển theo quy hoạch vùng.

Vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu và liên kết vùng là phân bổ lại và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả. Đảm bảo có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học trong từng chương trình, dự án cụ thể, trên các lĩnh vực...

Nhật Anh (lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn