Cần ổn định cuộc sống cho người dân trên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ

Cập nhật ngày: 16/10/2013 04:43:14

Với mục tiêu ổn định cuộc sống cho người dân vùng ngập lũ, đến nay, huyện Tân Hồng đã hoàn thành được khoảng 37 cụm, tuyến dân cư (CTDC) vượt lũ. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay tác động rất lớn đến hiệu quả bền vững của chương trình này là bài toán giải quyết “công ăn việc làm” cho dân nghèo khi vào sinh sống tập trung tại đây.


Người dân tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở huyện Tân Hồng
còn gặp nhiều khó khăn

Các CTDC vượt lũ

Trong giai đoạn 1, việc xây dựng các CTDC vượt lũ được thực hiện từ năm 2002-2009, huyện Tân Hồng đã đầu tư hoàn thành 31 CTDC vượt lũ (10 cụm, 21 tuyến) với diện tích hơn 238ha, tổng số gần 6510 nền, với kinh phí đầu tư trên 90 tỷ đồng, số hộ đã vào ở là 5.167, việc bố trí người dân vào ở hoàn thành 100%. Ở giai đoạn 2 được hoàn thành từ năm 2011, với 1 cụm và 5 tuyến đã cơ bản hoàn thành, diện tích hơn 45ha, tổng số nền quy hoạch 2.648 nền. Hiện đã xét duyệt 2.260 hộ, tổ chức bốc thăm 1.854 nền và giao nền thực địa 1.591 nền, bố trí xây dựng được 842 căn nhà, tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 95 tỷ đồng.

Việc triển khai thực hiện chương trình CTDC vượt lũ trên địa bàn huyện Tân Hồng đã tạo được sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân, cơ bản đáp ứng nguyện vọng của người dân. Kết quả của chương trình mang lại là người dân không còn sống trong cảnh ngập lũ.

Theo ông Nguyễn Chi Lăng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, việc xây dựng các CTDC cho người dân vùng lũ có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, giúp cho người dân an cư, có chỗ ở ổn định yên tâm phát triển sản xuất. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu với phương châm “Nhân dân vào ở đến đâu có hạ tầng kỹ thuật đến đó”. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các CTDC vượt lũ gặp phải một số khó khăn về nguồn vốn, nhận thức của người dân còn nặng theo tập quán cũ, thích sống gắn với ruộng vườn.

Cần giải pháp ổn định lâu dài

Theo tìm hiểu, phần lớn số hộ dân trên các CTDC vượt lũ đều là những hộ nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp. Sau thời gian ổn định nơi ở, đa số đều vấp phải khó khăn do không có đất sản xuất, chăn nuôi, không có việc làm. Bên cạnh đó, thu nhập giảm lại thêm các chi phí sinh hoạt hàng ngày như: điện, nước... nên cuộc sống của các hộ dân còn nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Túl ngụ tuyến dân cư Bờ Bắc kênh Tân Thành, Lò Gạch, xã Thông Bình chia sẻ: “Gia đình tôi vào đây sống đã được khoảng 9 tháng, cũng có ý định đi làm ăn xa, vì công việc làm mướn tại địa phương ngày một ít. Ngặt nỗi, vợ chồng tôi phải lo cho đứa con nhỏ mới học lớp một và một mẹ già hay đau yếu, nên mới ở lại, cố gắng lo làm ăn. Nhưng “tay làm không đủ hàm nhai”, những lúc không ai thuê mướn, tôi đi giủ rơm, mót lúa về phơi để dành, phụ tiền gạo với chồng”.

Không có việc làm ổn định tại địa phương, nhiều hộ dân trên các CTDC vượt lũ phải đi làm thuê ở xa. Chị Nguyễn Thị Thủy - hộ dân tại tuyến dân cư Bờ Bắc kênh Tân Thành-Lò Gạch cho biết: “ Ở đây làm mướn một ngày, nghỉ hai ngày, làm sao không thiếu trước hụt sau. Vì thế, buộc người dân phải bỏ nhà đi làm ăn nơi xa. Chỉ mong nơi này, có cơ sở, công ty, xí nghiệp để chị em phụ nữ có việc làm ổn định”.

Ông Hồ Chí Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Thông Bình cho biết, để giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động tại các CTDC vượt lũ trên địa bàn xã, thời gian qua UBND xã đã tổ chức các lớp dạy nghề đan lát thủ công. Tuy nhiên, mô hình không mấy hiệu quả vì thu nhập thấp và nguồn hàng cũng không thường xuyên.

Trong giai đoạn 2, huyện Tân Hồng tiếp tục được Chính phủ đầu tư xây dựng 6 CTDC vượt lũ thuộc địa bàn các xã: Tân Thành A, Thông Bình, Tân Phước, Bình Phú. Ở giai đoạn này, chương trình xây dựng các CTDC vượt lũ sẽ đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và các chương trình lồng ghép. Theo đó, người dân được vay vốn ưu đãi theo Quyết định 1046 của UBND tỉnh, các hộ được vay vốn nằm trong diện: di dân biên giới được hỗ trợ 20 triệu đồng; diện di dân vượt lũ được hỗ trợ 10 triệu đồng để cất nhà.

Ông Phạm Văn Hòa - Bí thư Huyện ủy Tân Hồng cho biết, chương trình xây dựng CTDC vượt lũ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng trăm hộ dân vùng sạt lở, ngập lũ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tại các CTDC hiện nay là việc xây dựng hạ tầng thiết yếu, hạ tầng xã hội và hệ thống giao thông đấu nối tại các CTDC còn rất khó khăn. Đặc biệt, vấn đề giải quyết việc làm tại các CTDC rất khó khăn dẫn đến tình trạng một bộ phận người nghèo đã chuyển nhượng nền đi nơi khác...

Theo ông Hòa, trong thời gian tới, huyện sẽ khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành các tiến trình còn lại của giai đoạn 2 nhằm bảo đảm cho người dân vào ở, ổn định cuộc sống theo phương châm sống chung với lũ. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh nhất là vấn đề tạo việc làm cho người dân. Vì vậy, cần sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các ban, ngành, đoàn thể nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập để ổn định cuộc sống cho người dân.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn