3 năm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp

Cần sự liên kết đồng bộ

Cập nhật ngày: 14/04/2014 04:26:45

Nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu và chia sẻ khó khăn đối với ngành trồng trọt, Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ra đời được xem là sự tiếp sức cho người nông dân. Tuy nhiên, BHNN trên địa bàn tỉnh thật sự chưa tạo được sự lan tỏa lớn bởi còn nhiều khó khăn vướng mắc...


Bảo hiểm nông nghiệp chia sẻ những rủi ro với người nông dân

Đối với Đồng Tháp, tỉnh chọn 3 huyện thực hiện thí điểm BHNN gồm huyện Tân Hồng, Tháp Mười và Châu Thành. Thí điểm BHNN là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước và đây là mô hình mới. Do đó, tỉnh xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, là nhân tố góp phần nâng cao nhận thức của người dân để đồng hành với chương trình.

Ngoài ra, tỉnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình “Doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp tham gia thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm”. Với mô hình này, số lượng các đối tượng cũng như diện tích tham gia tăng lên đáng kể, đã vận động được 4 doanh nghiệp tham gia: Công ty TNHH Thanh Tùng, Công ty DASCO, Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng và Trung tâm Giống Bình Đức thuộc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang.

Theo thống kê, sau 3 năm Đồng Tháp thực hiện thí điểm BHNN, tổng diện tích tham gia bảo hiểm trên 10.500ha, tổng lượt hộ tham gia bảo hiểm gần 17.300.

Qua thời gian triển khai thí điểm BHNN, Công ty Bảo Việt Đồng Tháp đã thực hiện bồi thường cho các hộ tham gia bảo hiểm bị ngập úng đầu vụ và sụt giảm năng suất với số tiền gần 2 tỷ đồng. Và hiện Công ty Bảo Việt đang tiếp tục lập thủ tục bồi thường cho các hộ dân ở huyện Tân Hồng với số tiền gần 290 triệu đồng.

Theo nhận định của UBND tỉnh, chính sách thí điểm BHNN bước đầu đã được người dân quan tâm, thấy được sự sẻ chia của chương trình khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, một số chính sách chưa phù hợp đã được các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện và đồng bộ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh và doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện...

BHNN thể hiện những tính năng ưu việt, tuy nhiên, sau khi thực hiện thí điểm BHNN vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Một số qui định trong khâu bồi thường còn bất cập, năng suất bảo hiểm thấp do phải tính trên năng suất bình quân từng vụ của 3 năm liền kề. Việc bồi thường ngập úng đầu vụ 5% là chưa thỏa đáng.

Theo đó, người dân tham gia bảo hiểm bị sụt giảm năng suất được bồi thường khi năng suất bình quân của xã giảm so với năng suất bảo hiểm. Trong khi, năng suất sụt giảm của người tham gia bảo hiểm không được tính trực tiếp với năng suất bảo hiểm...

Với những khó khăn trên, tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách BHNN và nâng mức hỗ trợ phí bảo hiểm đối với các hộ dân không thuộc diện nghèo và cận nghèo từ 60% lên 70% và tổ chức sản xuất nông nghiệp từ 20% lên 40%. Đồng thời, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, tổ chức làm tốt thí điểm BHNN...

Sau 3 năm thực hiện BHNN, tỉnh cho rằng để đạt kết quả tốt, chính quyền địa phương phải có quyết tâm nhiều trong việc tổ chức triển khai, đẩy mạnh khâu tuyên truyền. Đồng thời, mạnh dạn xây dựng mô hình “Liên kết bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm với doanh nghiệp cung ứng vật tư, liên kết tiêu thụ với nông dân” là hết sức cần thiết trong đảm bảo đầu vào, đầu ra và tránh thất thoát do thiên tai, dịch bệnh gây ra, ảnh hưởng đến sản xuất...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn