Cần tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu và khai thác phụ phẩm nông nghiệp

Cập nhật ngày: 21/05/2014 05:33:34

Thời gian qua, mô hình cánh đồng lớn từng bước phát huy được tính năng ưu việt, góp phần phát triển nông sản thế mạnh của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Song, nhiều chuyên gia tại Hội thảo cánh đồng lớn tổ chức tại Cần Thơ vừa qua cho rằng cần nâng chất lượng gạo xuất khẩu, khai thác phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra những giá trị mới...


Diện tích cánh đồng lớn tăng dần theo từng năm

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Tổng thư ký - Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cánh đồng lớn là một hướng đi quan trọng trong sản xuất lúa gạo qua việc nông dân, doanh nghiệp hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Nếu như trước đây, người nông dân rất mơ hồ không biết bán nông sản cho ai, thì hiện nay họ đã biết đầu ra cũng như có thể quyết định giá nông sản thông qua thương lượng với doanh nghiệp.

Theo báo cáo Cục Trồng trọt, đến nay có 13 tỉnh đã triển khai mô hình cánh đồng lớn. Năm 2011, diện tích triển khai mô hình chỉ 8.000ha, nhưng đến vụ đông xuân năm 2012-2013 là trên 66.000ha với 225 mô hình cánh đồng lớn. Riêng tỉnh Đồng Tháp, từ một cánh đồng mẫu thì số lượng đã tăng lên 150 cánh đồng, trong vụ đông xuân 2013-2014 diện tích liên kết đạt 40.000ha.

Trong việc liên kết hiện nay, các chuyên gia cho rằng, yếu tố góp phần tạo sự thành công là doanh nghiệp. “Ba vấn đề lớn của kinh tế thị trường mà từng nhà nông không thể giải quyết được là thị trường và thương hiệu; công nghệ mới; vốn đầu tư. Chỉ có doanh nghiệp chế biến tiêu thụ nông sản mới có thể giải quyết tốt ba vấn đề này và không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho nông dân” - ông Nguyễn Trí Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên, mô hình cánh đồng lớn vẫn còn nhiều hạn chế. Theo TS. Lê Văn Bảnh - Viện lúa ĐBSCL những khó khăn trong việc nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn” như: doanh nghiệp tích cực tham gia nhưng nguồn lực có hạn thiếu vốn mua sản phẩm, nông dân sản xuất nhỏ chưa quen liên kết. Hiện nay thiếu những Hợp tác xã (HTX) đủ mạnh, đồng thời giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa có sự tin tưởng lẫn nhau...

Việc sản xuất theo hướng cánh đồng lớn rất hiệu quả, tuy nhiên đối với các phụ phẩm vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Nếu tận dụng được nguồn này sẽ góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đối với thị trường xuất khẩu, cần tiến đến cải thiện nâng cao chất lượng hạt gạo.

Theo thống kê, giá trị tổn thất sau thu hoạch là 14,6%, chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều điểm chưa hợp lí, chủ yếu là gạo cấp thấp. TS Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chia sẻ: “Cải thiện chất lượng gao hiện nay là điều cần thiết. Trước tiên phải sắp xếp hợp lí giúp dễ quản lí và đảm bảo được chất lượng lúa gạo của toàn chuỗi cung ứng.”

Cũng theo ông Tấn, hầu hết các loại máy sấy của ĐBSCL đều là sử dụng nguyên lý sấy này trực tiếp. Tác nhân từ các lò sấy làm cho sản phẩm bị nhiễm bẩn và mất mùi thơm đặc trưng của giống lúa dẫn đến giảm chất lượng của hạt gạo. Chúng ta cần thay đổi hệ thống sấy để tăng khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường có nhu cầu gạo chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ...

Nhiều đại biểu cho rằng cần phải đa dạng hóa từ sản phẩm lúa gạo. Nhiều nước tiên tiến đã cho ra đời cơm ăn liền, cơm đóng hộp dạng khô, ướt, gạo mầm hay sữa gạo được nhiều người biết đến. Đặc điểm của những mô hình này không cần đầu tư lớn, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX lớn ở nông thôn. Song song đó, khai thác những phụ phẩm từ lúa gạo sẽ mở ra hướng đi mới tăng thu nhập cho người nông dân. Đối với ngành lúa gạo thì phụ phẩm là rơm, rạ, trấu, cám, gạo. Ở ĐBSCL, mỗi năm có khoảng 24 triệu tấn rơm, 4,8 triệu tấn trấu, 2,4 triệu tấn cám. Tuy nhiên, việc sử dụng các phụ phẩm này rất hạn chế, chỉ có trấu đang được khai thác nhiều

Để tận dụng và nâng cao giá trị của các phụ phẩm trong ngành sản xuất lúa gạo, trong thời gian tới cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước Nhật Bản, Thái Lan nhằm ứng dụng những công nghệ và thiết bị mới để chế biến đa dạng sản phẩm từ các phụ phẩm. Một số nước hiện nay đã khai thác các phụ phẩm từ lúa gạo để làm thức ăn cho gia súc, sản phẩm phục vụ du lịch từ rơm.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn