Cần chính sách hỗ trợ thiết thực để địa phương triển khai thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 14/05/2014 06:48:13
Mặc dù đã có những tác động tích cực từ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn, tuy nhiên tại cuộc họp bàn về việc đề xuất các chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng vẫn còn khó khăn, thách thức khi một số chính sách còn chồng chéo, bất cập, chưa đi vào thực tiễn đời sống... Để các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với nông dân hiệu quả hơn, cần thiết phải thiết kế hệ thống các chính sách trong chuỗi các khâu, từ hạ tầng sản xuất đến công tác tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Vận dụng linh hoạt các chính sách
Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Căn cứ những nội dung của Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đồng Tháp đã triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách cụ thể đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, tạo được lòng tin và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Kết quả cụ thể thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn những năm qua trên địa bàn tỉnh là sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực sang sản xuất quy mô lớn, cánh đồng liên kết; tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tăng lên 87% trên tổng diện tích gieo trồng; áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến để hạ giá thành; chi phí sản xuất tiết kiệm hàng năm trên 200 tỷ đồng; hạ tầng kỹ thuật từng bước được quan tâm đầu tư cải thiện, đáp ứng yêu cầu cơ bản cho sản xuất. Bên cạnh đó, đời sống nông dân nông thôn đã có bước cải thiện về vật chất và tinh thần; an ninh trật tự nông thôn được ổn định, môi trường và bộ mặt nông thôn thoáng mát khang trang... Thế nhưng, trên bình diện chung, nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp cũng còn chồng chéo, bất cập, thiếu đồng bộ, mang tính tạm thời, đối phó, một số chính sách chưa đi vào thực tiễn đời sống.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch một bộ phận lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Đề án định hướng phát triển 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực để tái cơ cấu và phân bố lao động là ngành hàng lúa gạo, cá tra, phát triển chăn nuôi vịt, ngành hàng xoài và ngành hàng hoa cây kiểng. Trong đó, phát triển 2 ngành hàng lúa gạo và cá tra trở thành ngành hàng xuất khẩu chiến lược ở tầm quốc gia, 3 ngành hàng còn lại là ngành hàng chiến lược của tỉnh.
Chính sách hỗ trợ cần thiết thực
Theo các đại biểu, để phát triển phong trào hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm, DN là người giữ vai trò trung tâm. Bởi, chính họ là người quyết định đến đầu tư lựa chọn công nghệ sản xuất, sử dụng tài nguyên và lao động. Vấn đề là cần có sự đột phá về thể chế để xây dựng mối liên kết bền chặt trong nông dân và thu hút sự tham gia đầu tư, hỗ trợ của DN ngay từ khâu sản xuất ban đầu. Ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: “Để DN mặn mà với mô hình liên kết, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những DN làm tốt mô hình liên kết tiêu thụ. Có thể thực hiện theo chuỗi từ trung ương đến địa phương theo một lộ trình cụ thể như: Xác định DN uy tín để ưu đãi vay tín dụng; VFA giao chỉ tiêu tạm trữ cho từng địa phương, sau đó địa phương xác nhận DN uy tín sẽ giao chỉ tiêu tạm trữ nhiều hay ít... Có như vậy DN mới mặn mà với mô hình liên kết, từ đó DN sẽ lựa chọn mô hình liên kết phù hợp, tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa DN và người dân”.
Trên thực tế, phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX là một trong những chủ trương có tính chất chiến lược của Đảng và Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, các HTX hiện nay lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi để cải tiến công nghệ, mở rộng dịch vụ sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Ân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Bình, xã Phú Đức (Tam Nông) cho biết, để tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác phát triển ổn định, Chính phủ và các bộ ngành cần có giải pháp thiết thực hỗ trợ nông dân, trong đó cần thực hiện hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào mô hình liên kết để nông dân được hưởng lợi từ chính sách đầu tư của DN vào mô hình. Bên cạnh đó, Chính phủ có biện pháp hỗ trợ nâng mức tín dụng cho HTX theo hình thức đầu tư trong chuỗi ngành hàng nhằm hỗ trợ vốn cho HTX.
Mới đây, làm việc với Phó Thủ tướng xung quanh vấn đề này, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 không chỉ xem xét phát triển ngành nông nghiệp mà là đề án tổng hợp liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tinh thần cốt lõi của đề án là phát triển sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường và điều chỉnh quy mô sản xuất cho phù hợp, phát triển phong trào hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và DN tiêu thụ sản phẩm. Đồng Tháp hiện đã có khoảng 10 DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đang tạo ra thị trường chuyển dần từ thu mua mùa vụ sang liên kết giữa DN và nông dân mang tính bền vững hơn.
Thảo Vy