Cần thay đổi chính sách thu mua tạm trữ để người nông dân được hưởng lợi
Cập nhật ngày: 12/05/2014 04:19:00
Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân năm 2014 đã kết thúc, 11 doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Tháp hoàn thành chỉ tiêu thu mua 85.000 tấn lúa quy gạo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ. Tuy nhiên, cũng như những vụ trước, việc thu mua tạm trữ lúa gạo còn bộc lộ nhiều bất cập nên nông dân vẫn chưa được hưởng lợi 30% như kỳ vọng...
Theo ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, kể từ khi quyết định thu mua tạm trữ có hiệu lực (15/3) giá lúa trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng tăng nhẹ với mức tăng từ 100-300 đồng/kg. Tuy nhiên, mức tăng này không ổn định do đầu ra hạn chế, giá xuất khẩu gạo thấp nên hiện giá lúa giảm xuống bằng với trước thời điểm triển khai thu mua tạm trữ. Như vậy, cũng như những vụ trước, tạm trữ thực chất chỉ để giữ chân, không cho giá lúa giảm sâu chứ không kích thích giá lúa vực dậy như nhiều người kỳ vọng.
Ông Sa phân tích, trong vụ đông xuân 2014, nếu lấy giá lúa cao nhất trong thời điểm triển khai thu mua tạm trữ bình quân 5.350/kg (giá lúa loại 2 Công ty mua tại kho), so với giá thành bình quân 3.900 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 37%. Trên lý thuyết thì nông dân lãi hơn mức Chính phủ quy định tối thiểu 30%/năm, nhưng đây là vụ sản xuất chính trong năm, với mức lãi này không đảm bảo để tái sản xuất cho những vụ sau. Mặt khác, đây là mức giá cao nhất trong đợt triển khai thu mua tạm trữ, vì vậy cũng không có nhiều nông dân được hưởng từ mức lãi này, đa số đã bán lúa lúc thu hoạch rộ trước đó với giá thấp.
Bên cạnh đó, còn khá nhiều bất cập trong công tác phối hợp triển khai thu mua tạm trữ giữa VFA và địa phương nên việc phân chia chỉ tiêu tạm trữ cho các doanh nghiệp chưa đồng đều, không khuyến khích doanh nghiệp tham gia cánh đồng liên kết. Cụ thể, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 373a/QĐ-TTg ngày 15/3/2014 về mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân 2013-2014, thì việc phân giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa, gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho từng tỉnh, tuy nhiên thực tế Hiệp hội Lương thực Việt Nam không phối hợp với địa phương trong việc phân giao; phân giao không công khai minh bạch; thiếu khách quan, không sát với năng lực, điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp; không khuyến khích các doanh nghiệp có tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo...
Theo ông Sa, mặc dù chỉ là giải pháp tạm thời trong tình hình thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ mỗi khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ trong nhiều năm qua được nhìn nhận là một chủ trương đúng và phù hợp với tình hình, giúp nông dân tiêu thụ lúa, góp phần kiềm chế tình trạng sụt giá. Tuy nhiên, đối với nhiều địa phương có sản lượng lúa lớn như Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, chỉ tiêu mua tạm trữ được phân bổ rất ít. Chính vì thế, chính sách mua tạm trữ vẫn cần thiết nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Ông Sa đề xuất: “Tạm trữ cần có sự phối hợp giữa Hiệp hội Lương thực với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có sản lượng lương thực lớn để giao chỉ tiêu cho phù hợp và khuyến khích giao chỉ tiêu tạm trữ đồng bộ với chỉ tiêu xuất khẩu lương thực tập trung mà Chính phủ và Bộ Công thương đã ký. Qua đó, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp có làm cánh đồng lớn được tạm trữ và giao chỉ tiêu xuất khẩu. Như thế sẽ đồng bộ và thực hiện Quyết định 62 có cơ sở hơn”.
Bên cạnh đó, Chính phủ nên cho thí điểm tạm trữ lúa, gạo đối với một số hợp tác xã có đủ điều kiện tạm trữ. Nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình tạm trữ này cho cả nước.
Có thể thấy, thu mua tạm trữ lúa, gạo không phải là giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là giải pháp để điều tiết thị trường, hỗ trợ thu mua lúa trong giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa nhằm đẩy giá lúa lên theo chiều hướng có lợi cho nông dân. Do đó, để chính sách này thật sự hỗ trợ nông dân thì cần có một cơ chế thu mua tạm trữ phù hợp hơn với tình hình thực tế...
Thảo Vy